Tín hiệu tích cực của du lịch Việt Nam những tháng đầu năm

Khách du lịch Đông Nam Á đến Việt Nam tăng 1,7 lần

Du lịch Việt Nam 6 tháng đầu năm đã đạt kết quả tích cực. Đáng chú ý, xu hướng du khách nội vùng châu Á tiếp tục định hình cho tăng trưởng du lịch Việt Nam trong năm 2024. Trong đó, tổng nhu cầu của du khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm đã tăng 1,7 lần so với cùng kỳ. Đây là nhận định của Klook, nền tảng thương mại điện tử hàng đầu châu Á dành cho trải nghiệm và dịch vụ du lịch trong báo cáo đánh giá bức tranh du lịch Việt Nam nửa đầu năm 2024.

Theo Klook, các số liệu qua sàn này cho thấy tổng nhu cầu của du khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. 

Trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn tiếp tục là một trong những thị trường có khách đến Việt Nam ở mức tăng trưởng cao nhất, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ cũng được ghi nhận từ nguồn du khách đến từ các quốc gia trong khối Đông Nam Á, với Indonesia dẫn đầu cùng mức tăng gấp 6 lần trong nhu cầu du lịch đến Việt Nam, theo sau là Philippines với mức tăng 3,5 lần.

Ngoài ra, Klook cũng ghi nhận mức tăng trưởng nhu cầu du lịch đến Việt Nam gấp đôi từ thị trường Mỹ trong nửa đầu năm 2024, cho thấy dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ của thị trường gửi khách trọng điểm này.

Theo Tuổi Trẻ, tại Việt Nam các điểm đến như Đà Nẵng, Hà Nội, Phú Quốc, Hạ Long và Tp..HCM tiếp tục là những nơi có lượng khách quốc tế đông đảo. Đặc biệt, Hà Nội dẫn đầu về mức tăng trưởng với lượng đặt chỗ tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Phú Quốc ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể gấp 2,5 lần.

Với đà tăng trưởng như hiện nay, trong khi mùa cao điểm du lịch quốc tế sẽ tới trong những tháng cuối năm, ngành du lịch dễ đạt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay.

Tín hiệu tích cực của du lịch Việt Nam những tháng đầu năm- Ảnh 1.

Tín hiệu tích cực của du lịch Việt Nam những tháng đầu năm- Ảnh 2.

Lượng khách Hàn Quốc những năm gần đây đã vượt lên dẫn đầu thị trường du khách quốc tế đến Việt Nam nhờ chiến lược hợp tác kinh tế hai nước và sức hút từ những điểm đến, sản phẩm du lịch độc đáo. Đây là “mỏ vàng” cho du lịch Việt Nam khai thác. Ảnh minh họa.

Dấu ấn phục hồi mạnh mẽ cả về số lượng khách và doanh thu

Bước vào tháng 7 năm nay, du lịch Việt Nam đón nhận những tín hiệu lạc quan, cho thấy dấu ấn phục hồi mạnh mẽ cả về số lượng khách và doanh thu. Cụ thể, các chỉ số của du lịch Việt Nam cơ bản đã vượt thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, hứa hẹn sự đột phá trong những tháng tiếp theo.

Năm nay, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Bên cạnh đó, lượng khách nội địa trong 6 tháng đầu năm đạt 66,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 436,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Những số liệu thống kê trên đây có thể khiến nhiều người lạc quan. Song nhìn về nửa cuối năm nay, vẫn còn tới gần 10 triệu lượt khách quốc tế…

Trong nửa đầu năm, du lịch Việt Nam được truyền thông quốc tế vinh danh ở nhiều hạng mục như Quốc gia an toàn nhất thế giới để ghé thăm 2024; Hà Nội là điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất; Phở Việt đứng thứ hai trong top 20 món nước ngon nhất thế giới hay Tp.HCM vào top 10 thành phố châu Á đáng đi du lịch nhất… Điều này đã góp phần làm tăng lượng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam.

Mặc dù vậy, từ những số liệu tích cực trên, không thể phủ nhận chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh.

Cùng với đó, việc phát triển, nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở du lịch, chất lượng các loại hình du lịch ở từng địa phương cũng đã giúp gia tăng sức hút của du lịch Việt Nam.

Điều này lý giải dù là mùa thấp điểm du lịch quốc tế, nhưng lượng khách quốc tế trong tháng 6 vừa qua đến Việt Nam vẫn đạt trên 1,2 triệu lượt khách, cao hơn 5,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là một tín hiệu tích cực của thị trường du lịch quốc tế.

Bên cạnh việc tích cực quảng bá, xúc tiến du lịch tại nhiều thị trường quốc tế như Paris (Pháp), Milan (Italy) và Frankfurt (Đức), Seoul (Hàn Quốc)… để tiếp tục thu hút khách quốc tế, thì bản thân các địa phương cũng có nhiều cố gắng khi tăng cường làm mới các sản phẩm du lịch, đồng thời có nhiều chính sách thu hút du khách.

Hà Nội, Tp.HCM, và Khánh Hòa là ba trong số rất nhiều minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, giới chuyên gia du lịch cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh xúc tiến du lịch nhiều hơn nữa, đưa ra những sản phẩm du lịch mới nhiều hơn để thu hút và đáp ứng nhu cầu du khách, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Lấy ví dụ như Thủ đô Hà Nội, năm 2024, thành phố phấn đấu đón trên 27 triệu lượt khách, trong đó có trên 5,5 triệu lượt khách quốc tế và 21,5 triệu lượt khách nội địa.

Dự kiến tổng thu từ khách du lịch đạt trên 109,41 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2023… Muốn vậy, Hà Nội cần phải tạo ra những sản phẩm du lịch để du khách chi tiêu, mua sắm nhiều hơn. Việc mới đây ngành du lịch Hà Nội khởi động mô hình "Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4-5 sao của Hà Nội" năm 2024 là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Những tháng còn lại của năm 2024, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ với Đại Đoàn Kết ngành du lịch Thủ đô sẽ tập trung tổ chức các chương trình, sự kiện như: Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2024; chuỗi các sự kiện du lịch thể thao Hà Nội; chuỗi hoạt động chuyên đề sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử Hà Nội; Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp du lịch và công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa Hà Nội năm 2024...

Mỗi tỉnh thành đều cố gắng, sẽ tạo nên bức tranh chung của du lịch Việt Nam 6 tháng cuối năm 2024. Và chỉ có cố gắng, thì du khách mới cảm thấy hài lòng, mới sẵn sàng chi tiêu, và sẵn sàng giới thiệu cho bạn bè, người thân, thậm chí quay trở lại.

Tín hiệu tích cực của du lịch Việt Nam những tháng đầu năm- Ảnh 3.

Du lịch Việt Nam kỳ vọng bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024.

Khách du lịch nước nào thích tới Việt Nam nhất?

Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, thời gian gần đây, lượng khách Hàn Quốc sang Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 38%/năm. Trong năm 2023, Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với 3,6 triệu lượt khách. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam đã vượt Trung Quốc chiếm vị trí thứ nhất với 2,2 triệu lượt khách (chiếm 25,8%).

Lý giải nguyên nhân khiến lượng khách Hàn Quốc "tăng tốc" đến Việt Nam, các chuyên gia du lịch cho rằng, trong những năm qua, số lượng các nhà máy Hàn Quốc mở tại Việt Nam ngày càng tăng giúp người Hàn biết đến nơi này nhiều hơn. Bên cạnh đó, chính sách miễn thị thực đối với khách Hàn là lý do hàng đầu giúp Việt Nam thành điểm đến yêu thích.

Kết quả phân tích xu hướng du lịch trong quý III/2024 do tập đoàn Kyowon Tour Travel Easy công bố ngày 8/7 cho hay, Việt Nam đứng đầu trong số các điểm đến du lịch nước ngoài ưa thích của người Hàn Quốc, vượt qua cả Nhật Bản. Cụ thể, Việt Nam vượt lên trên Nhật Bản với tỉ lệ đặt chỗ 13,7%, cao hơn so với 13,2% của Nhật Bản; tiếp đến là Trung Quốc với tỉ lệ 11,7%

Những xu hướng du lịch mới của du khách Việt Nam

Theo Tuổi Trẻ bên cạnh sự tăng trưởng của du khách quốc tế, nhu cầu du lịch của du khách Việt Nam cũng duy trì mức tăng trưởng tích cực. Các xu hướng du lịch nổi bật bao gồm:

- Du lịch như "thổ địa": Thời gia gần đây du khách Việt Nam ngày càng ưa chuộng những trải nghiệm du lịch chân thực và độc đáo, muốn hòa mình vào văn hóa địa phương và có những chuyến đi như người bản địa.

- Đi "nhiều, nhanh, gọn, gần": Nói về du lịch, du khách Việt Nam chuyển hướng sang những chuyến đi ngắn ngày, ngẫu hứng trong khu vực lân cận hoặc xung quanh thành phố, thay vì những kỳ nghỉ dài ngày.

- Du lịch khám phá lịch sử: Hiện nay ngày càng nhiều du khách trẻ Việt Nam quan tâm đến việc tham quan các di tích lịch sử và các địa danh di sản, đặc biệt là các điểm đến đã được số hóa và cải thiện trải nghiệm du lịch.

- Ưu tiên những "trải nghiệm đáng tiền": Những năm gần đây du khách Việt ngày càng chú trọng đến việc chi tiêu hợp lý và sẵn sàng chi nhiều hơn cho những trải nghiệm du lịch có giá trị, nhưng cũng không quên săn đón các ưu đãi và mã giảm giá.

Trúc Chi (t/h)

Link nội dung: https://doanhnhandoanhnghiepviet.com/tin-hieu-tich-cuc-cua-du-lich-viet-nam-nhung-thang-dau-nam-a18422.html