Không để kinh tế bị... kéo lùi

Cơn bão số 3 và đợt lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế ở 26 tỉnh, thành miền Bắc (những địa phương này đóng góp 41% GDP cả nước). Trước nguy cơ kinh tế có thể gặp khó, các chuyên gia khẳng định ngay lúc này, cần những quyết sách kinh tế nhanh, mạnh kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh.

Hơn 40.000 tỷ đồng, GDP giảm 0,15% là mức thiệt hại ban đầu do ảnh hưởng của bão số 3 . Cơn bão đổ bộ vào niềm Bắc đúng dịp cao điểm sản xuất, xuất khẩu cuối năm. Ngành du lịch có nguy cơ cao sẽ lỡ mùa đón khách quốc tế (tháng 9/2024 đến tháng 4/2025).

Không để kinh tế bị... kéo lùi- Ảnh 1.

Doanh nghiệp và hộ kinh doanh bị thiệt hại sau bão số 3 rất nặng nề. ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê tỏ ra lo ngại trước tình cảnh nhiều DN, hộ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ở các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, các tỉnh miền Bắc gần như rơi vào cảnh “trắng tay” sau bão lũ. “Với những hộ chịu thiệt hại nặng, giải pháp nào cũng không thể cứu vãn, khôi phục ngay như lúc ban đầu trong những tháng tới. Trước mắt, cần hỗ trợ khu vực DN, hộ sản xuất kinh doanh, nông, lâm nghiệp và thủy sản, phục hồi, để người ta có cơ sở sản xuất trong năm tới”, ông Lâm nhấn mạnh và đề xuất Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ về tài chính, tín dụng, cần có chính sách ưu đãi về lãi suất, khoanh, giãn nợ để hỗ trợ DN và người dân.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng, sau bão, các DN, hộ kinh doanh sẽ mất một khoảng thời gian để phục hồi sản xuất. Việc hỗ trợ cần thực hiện trong thời gian sớm nhất để thúc đẩy quá trình này. Các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ cũng cần ngay nguồn lực lớn từ ngân sách Nhà nước để phục hồi.

Trong bối cảnh mọi yêu cầu phải được thực hiện sớm nhất, ông Việt cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét những điều kiện đặc thù, cho phép các ngân hàng thương mại được nới chỉ tiêu an toàn tín dụng khi thực hiện giải ngân cho vay những khoản đặc thù hỗ trợ kinh doanh sau bão. Gói hỗ trợ của Nhà nước trên các khoản vay cần đơn giản hoá thủ tục, nhất là khi đã xác định đúng/trúng đối tượng cần hỗ trợ.

“Ngân sách nhà nước một mặt phải cứu trợ, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng bị tổn thương, nhưng mặt khác cũng phải cân đối miễn, giảm, giãn thuế, phí để hỗ trợ DN, hộ kinh doanh phục hồi”, ông Việt nói và đề xuất Bộ Tài chính, Chính phủ nghiên cứu, tiếp tục chính sách miễn, giảm thuế phí.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tại 20/26 tỉnh, thành ước tính dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 80.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 5% dư nợ trên địa bàn). Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 11.700 khách hàng bị ảnh hưởng do bão với dư nợ khoảng 23.100 tỷ đồng.Về chương trình khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh. Bộ KH&ĐT cho biết, sẽ có cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ.


Giữ vững động lực tăng trưởng

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương được dự báo chậm lại. Tính chung cả năm, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng có thể đạt 6,8 - 7%. Tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… giảm hơn 0,5%. Cả ba trụ cột tăng trưởng gồm công nghiệp và xây dựng ; nông, lâm, thủy sản; dịch vụ đều chịu tác động nặng nề bởi thiên tai.

TS Nguyễn Quốc Việt nhận định, ảnh hưởng của bão số 3 chắc chắn gây ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng năm nay, dù vậy, hiện tại chưa thể đánh giá hết mức độ. “Thực tế, tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua chủ yếu được hỗ trợ bởi các yếu tố bên ngoài, xuất nhập khẩu kéo theo lĩnh vực sản xuất phục vụ. Về cơ bản, bão tác động cục bộ, chưa gây ảnh hưởng nhiều trong ngắn hạn đến chuỗi cung ứng xuất khẩu (trừ lĩnh vực nông nghiệp). Tuy nhiên, về lâu dài, nếu không khắc phục một số vấn đề (tắc nghẽn hạ tầng cơ sở, hồi phục chuỗi sản xuất đầu vào, đứt gãy cung ứng nhập khẩu) làm tăng chi phí, khó khăn cho DN, chắc chắn thị trường trong nước sẽ bị ảnh hưởng, tiếp tục kéo giảm triển vọng phục hồi tăng trưởng”, ông Việt nói.

Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng nhận định, trước cảnh báo GDP có thể bị kéo lùi do ảnh hưởng bão lũ, để thực hiện mục tiêu năm nay, giải pháp trước hết là phải giữ vững các động lực tăng trưởng hiện có, ví dụ như đầu tư công. “Lượng vốn để giải ngân trong năm 2024 thấp hơn năm ngoái gần 100.000 tỷ đồng. Nếu giải ngân đạt trên 95% như kế hoạch đề ra, thì đóng góp của đầu tư công đến tăng trưởng cũng không thể cao hơn năm trước. Tuy nhiên, đây là động lực rất tốt để kéo theo các động lực như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư tư nhân”, ông Lâm nói.

Link nội dung: https://doanhnhandoanhnghiepviet.com/khong-de-kinh-te-bi-keo-lui-a29059.html