Nhiều thay đổi trong tách, hợp thửa đất ở Lâm Đồng

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định quy định về điều kiện, diện tích tối thiểu được tác, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn.

Ngày 1-10, ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã ký ban hành quyết định quy định điều kiện, diện tích tối thiểu được tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng áp dụng kể từ ngày 15-10.

Nhiều thay đổi trong tách, hợp thửa đất ở Lâm Đồng- Ảnh 1.

Quy định mới về tách, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được áp dụng kể từ ngày 15-10.

Quyết định này quy định diện tích tách thửa đối với đất ở đô thị bao gồm: nhà phố được tách thửa khi diện tích từ 40 m2 trở lên, cạnh tiếp giáp đường trên 4m; nhà liền kề có sân vườn từ 72 m2 trở lên, cạnh tiếp giáp đường trên 4,5m; nhà sân vườn đường hẻm có diện tích 64 m2 trở lên, kích thước cạnh tiếp giáp đường trên 4m.

Nhà biệt lập có diện tích đất ở 250 m2 trở lên, cạnh tiếp giáp đường có tên trên 10 m. Tại các đường, hẻm còn lại diện tích đất ở trên 200 m2 trở lên, cạnh tiếp giáp đường trên 10 m; biệt thự có diện tích đất ở 400 m2 trở lên, cạnh tiếp giáp đường đã có tên trên 12 m. Tại các đường, hẻm còn lại diện tích đất ở 250 m2 trở lên và cạnh tiếp giáp đường trên 10 m.

Trường hợp đất ở nông thôn chưa có quy định dạng kiến trúc nhà ở thì diện tích đất ở phải đảm bảo trên 72m2, kích thước cạnh thửa đất tiếp giáp đường giao thông công cộng hoặc lối đi trên 4,5 m.

Đối với đất sản xuất nông nghiệp, đất nông nghiệp khác, diện tích tối thiểu tách thửa ở đô thị là 500 m2 và tại nông thôn là 1.000 m2. Các thửa đất sau khi tách thửa phải có kích thước cạnh thửa tiếp giáp đường giao thông công cộng hiện có hoặc lối đi trên 10m. Diện tích tách thửa đối với đất rừng sản xuất là rừng trồng tối thiểu là 10.000 m2.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, đất muốn tách, hợp thửa phải đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện quy định tại khoản 1 điều 220 Luật Đất đai cùng một số điều kiện khác như: đất không có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp có thông báo thu hồi đất nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đất theo thông báo thu hồi thì phần diện tích, ranh giới còn lại của thửa đất đó vẫn được phép tách, hợp thửa.

Đối với thửa đất có nhiều mục đích sử dụng đất thì việc thực hiện tách thửa đối với mục đích sử dụng đất có giá trị cao nhất. Các vị trí đã có quy định về dạng kiến trúc nhà ở thì diện tích tách thửa thực hiện theo quy định này. Trường hợp dạng kiến trúc nhà ở khác với quy hoạch phân khu thì áp dụng quy hoạch phân khu; các trường hợp khác thì được xác định là chưa có quy định về dạng kiến trúc nhà ở.

Ba trường hợp không được tách, hợp thửa, gồm: Đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Đất có vi phạm pháp luật về đất đai và chưa chấp hành việc xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đất được nhà nước cho thuê (trừ trường hợp cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt do nhà nước quản lý).

Link nội dung: https://doanhnhandoanhnghiepviet.com/nhieu-thay-doi-trong-tach-hop-thua-dat-o-lam-dong-a30654.html