Nga nhận tin xấu: Bất ngờ với nước vừa giáng đòn Moscow giữa tin hàng chục triệu quả đạn pháo tới Ukraine

Theo Reuters, trước đó quốc gia này đã để đạn pháo do họ sản xuất ồ ạt chuyển hướng tới Ukraine, "bất chấp sự phản đối từ Moscow".

Tuyên bố thẳng thừng của Ấn Độ

Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Ấn Độ Pankaj Jain ngày 27/9 bất ngờ tuyên bố, New Delhi sẽ không mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ dự án Arctic LNG 2 (Bắc Cực LNG 2) của Nga do dự án này đang bị các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt.

“Chúng tôi sẽ không mua từ dự án Arctic LNG 2. Chúng tôi sẽ không mua bất cứ mặt hàng nào bị trừng phạt, và sẽ không động đến bất cứ mặt hàng nào bị trừng phạt rộng rãi” – Ông Jain nói với các phóng viên.

Dự án Arctic LNG 2 của tập đoàn Novatek (Nga) nằm trong số các dự án bị phương Tây trừng phạt do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trước đó, Mỹ cũng đã áp lệnh trừng phạt đối với hàng trăm tổ chức và cá nhân với lý do “tham gia hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga”, bao gồm cả các công ty hỗ trợ phát triển dự án Arctic LNG 2 và các lô hàng LNG của dự án này.

Nga nhận tin xấu: Bất ngờ với nước vừa giáng đòn Moscow giữa tin hàng chục triệu quả đạn pháo tới Ukraine- Ảnh 1.

Ấn Độ từ chối mua LNG từ dự án Arctic LNG 2 của Nga. Ảnh: polarjournal

Đáng lưu ý, tuyên bố mới của Ấn Độ được đưa ra chỉ 1 tuần sau khi Reuters hôm 19/9 dẫn thông tin từ 11 quan chức trong chính phủ và ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ, cũng như châu Âu cho biết, đạn pháo do các nhả sản xuất vũ khí Ấn Độ bán sang các nước châu Âu đã được chuyển hướng tới Ukraine.

Tuy nhiên, New Delhi vẫn chưa can thiệp để ngăn chặn hoạt động buôn bán này “bất chấp có sự phản đối từ Moscow”.

Theo các nguồn tin và dữ liệu hải quan mà Reuters tiến hành phân tích, quá trình chuyển giao đạn dược cho phép Ukraine phòng thủ chống Nga “đã diễn ra trong hơn 1 năm”.

Ba quan chức Ấn Độ giấu tên cho biết, Điện Kremlin đã đề cập vấn đề này ít nhất 2 lần, lần gần nhất là trong cuộc họp tháng 7 tại Kazakhstan giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ấn Độ Subramanyam Jaishankar.

Theo một quan chức nắm rõ tình hình cuộc họp, ông Lavrov đã “gây sức ép với người đồng cấp của mình về việc Ukraine sử dụng đạn dược Ấn Độ và phàn nàn rằng trong số đó có một số loại đạn do chính các công ty nhà nước của Ấn Độ sản xuất”.

Các nguồn tin của Reuters cho hay, đạn pháo Ấn Độ đã được chuyển hướng tới Ukraine thông qua các nước châu Âu như Italy và Cộng hòa Séc. Ví dụ, công ty quốc phòng Italy Meccanica per l’Elettronica e Servomeccanismi (MES) đã mua đạn pháo rỗng từ Ấn Độ, nhồi thuốc nổ vào và sau đó vận chuyển đến Ukraine.

Từ tháng 2/2022 đến tháng 7/2024, MES đã mua khoảng 35 triệu viên đạn pháo 155 mm từ Ấn Độ.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã phủ nhận thông tin cung cấp đạn dược cho Ukraine. Tuy nhiên, một Giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ nắm rõ về các vụ chuyển giao, cùng 20 người khác được Reuters phỏng vấn cho biết, New Delhi không có hành động nào để hạn chế nguồn cung đạn dược cho châu Âu, bất chấp việc chúng được chuyển hướng sang Ukraine.

Hãng tin Anh nhận định, mặc dù có mối quan hệ nồng ấm với Nga nhưng Ấn Độ cũng coi xung đột Ukraine là cơ hội để phát triển ngành xuất khẩu vũ khí mới chớm nở của mình. Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu đạn dược của Ấn Độ sang châu Âu đã tăng từ 2,8 triệu USD lên 135,25 triệu USD kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Trong khi đó, theo ông Walter Ladwig – chuyên gia an ninh Nam Á tại Đại học King’s (Anh) cho biết, việc để một lượng đạn dược tương đối nhỏ chuyển hướng sang Ukraine mang tới lợi ích địa-chính trị đối với New Delhi.

“Việc này cho phép Ấn Độ chứng minh với các đối tác phương Tây rằng, họ không hẳn ‘đứng về phía Nga’ trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, đồng thời cho thấy Moscow có ít sức tác động đối với các quyết định của New Delhi” – Ông Ladwig nhận định.

Nga nhận tin xấu: Bất ngờ với nước vừa giáng đòn Moscow giữa tin hàng chục triệu quả đạn pháo tới Ukraine- Ảnh 2.

Moscow thấy bất ngờ khi Ấn Độ từ chối mua LNG từ dự án Arctic 2 của Nga. Ảnh: The Economist

Vấn đề cấp bách với Moscow

Theo tờ Izvestia (Nga), tuyên bố của Ấn Độ về việc từ chối mua LNG do dự án Arctic LNG 2 cung cấp tương đối bất ngờ bởi chỉ mới ngày 12/9 vừa qua, trong cuộc gặp với Cố vấn An ninh Quốc gia của Thủ tướng Ấn Độ Ajit Kumar Doval, Tổng thống Vladimir Putin đã lưu ý tới việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, tiến trình tăng cường hợp tác song phương Nga-Ấn đã bắt đầu sau chuyến thăm Moscow hồi tháng 7 năm nay của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Trước đó 1 ngày, tại cuộc họp với ông Doval, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Sergei Shoigu cũng tuyên bố rằng, tiến trình đối thoại chính trị đáng tin cậy giữa Nga và Ấn độ đang phát huy hiệu quả. Ông nhấn mạnh rằng hiện tại, “Ấn Độ là một trong những đồng minh chính của Nga trên trường thế giới”.

Bình luận về tuyên bố của Ấn Độ trong cuộc trò chuyện với kênh tin tức Abzats, Phó Tổng giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga Alexey Grivach cho rằng, các công ty Ấn Độ không muốn phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Song, “vẫn sẽ có những phía mua LNG của Nga”.

“Chúng ta hãy xem tình hình diễn tiến như thế nào, vấn đề này rất tế nhị. Rõ ràng không ai muốn phải chịu lệnh trừng phạt thứ cấp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn muốn mua nguồn năng lượng đã có mặt trên thị trường. Nó rủi ro nhưng có giá hấp dẫn và cuối cùng họ vẫn tìm mua”.

Theo trang tin BCS Express (Nga) – một chuyên trang về tin tức đầu tư, động thái của Ấn Độ sẽ khiến nhóm khách hàng tiềm năng mua LNG từ dự án Arctic LNG 2 của Nga bị thu hẹp. Hiện tại, Novatek đang gặp khó khăn đáng kể trong việc xuất khẩu khí đốt từ Arctic LNG 2 do thiếu tàu chở dầu có khả năng phá băng.

Bên cạnh đó, việc Ấn Độ công khai từ chối mua khí đốt từ dự án Arctic LNG 2 có thể tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu của Novatek.

Trong hai năm qua, bất chấp các lệnh trừng phạt và hạn chế đáng kể, Ấn Độ đã trở thành một trong hai thị trường chính của dầu mỏ Nga. Moscow kỳ vọng rằng quốc gia này cũng sẽ mua khí đốt từ Arctic LNG 2.

Hiện tại, sản lượng LNG khá thấp và các quốc gia khác có thể sẽ sẵn sàng mua sản phẩm này với điều kiện họ nhận được mức chiết khấu phù hợp. Tuy nhiên, khi dự án đạt công suất tối đa, việc Ấn Độ từ chối mua khí đốt có thể trở thành “vấn đề cấp bách hơn” đối với Moscow.

Link nội dung: https://doanhnhandoanhnghiepviet.com/nga-nhan-tin-xau-bat-ngo-voi-nuoc-vua-giang-don-moscow-giua-tin-hang-chuc-trieu-qua-dan-phao-toi-ukraine-a30712.html