Cắm mặt ngoài đường cả ngày, tài xế xe công nghệ lo tương lai mờ mịt

Tài xế xe công nghệ mong được giao kết hợp đồng lao động và tham gia BHXH để đảm bảo quyền lợi.

Năm 2019, anh Nguyễn Hồng Phúc (quê Bình Thuận, hiện ở trọ tại quận 7) vào TP HCM mưu sinh, khi ấy anh đã gần 40 tuổi, chưa từng làm việc trong nhà máy nên quyết định chọn công việc là tài xế giao hàng trên ứng dụng Ahamove. Thời gian đầu, công việc khá suôn sẻ bởi mức thu nhập khá, từ 12-15 triệu đồng/tháng cho 10 -11 giờ chạy xe mỗi ngày. Song sau hơn 5 năm chạy xe, sức khỏe anh Phúc đi xuống rõ rệt, thường xuyên bị đau đầu do căn bệnh viêm xoang. Hiện mỗi ngày anh chỉ chạy 2 giờ. thu nhập từ đó cũng giảm, chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng.

Anh Phúc tâm sự: "Có đợt tôi bị ngất xỉu phải nhập viện, do không có bảo hiểm nên tôi đã phải điều trị khá tốn kém. Sau đó, tôi ý thức được vấn đề sức khỏe và mua BHYT hộ gia đình nhưng vẫn không có khả năng tham gia BHXH tự nguyện".

Cắm mặt ngoài đường cả ngày, tài xế xe công nghệ lo tương lai mờ mịt- Ảnh 1.

Nhiều tài xế xem việc chạy xe công nghệ là công việc chính và gắn bó nhiều năm

Anh Phúc cho biết hiện nay, một số công ty vận chuyển, giao hàng tiết kiệm vẫn ký hợp đồng lao động, trả lương cứng và đóng BHXH bắt buộc cho tài xế. Điều đó rất hợp lý, vừa thúc đẩy tài xế gắn bó vừa đảm bảo quyền lợi cho họ. Về tính chất thì công việc của anh cũng không khác họ nên anh mong rằng tài xế xe công nghệ sẽ sớm được xác định là người lao động và được hưởng các quyền lợi nên có thay vì chỉ là đối tác như hiện tại, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, sức khỏe, phương tiện bị bào mòn mà không có bất cứ quyền lợi gì lâu dài.

Tương tự, chị Đoàn Thị Mỹ Bình (ngụ quận 8) đã có nhiều năm chạy xe công nghệ trên các ứng dụng Be, Gojek… và đang chờ nhận xe điện của hãng Xanh SM. Chị cho biết Xanh SM có chính sách tốt hơn với các tài xế taxi như trả lương cứng, tham gia các loại bảo hiểm. Chị mong muốn rằng trong tương lai, chính sách này sẽ được bao phủ đến tài xế xe máy điện để chị được tham gia BHXH bắt buộc và hưởng các quyền lợi về sau.

Cắm mặt ngoài đường cả ngày, tài xế xe công nghệ lo tương lai mờ mịt- Ảnh 2.

Nhiều tài xế mong muốn được ký kết hợp đồng và tham gia BHXH như người lao động tại các doanh nghiệp

"Năm nay, tôi đã 47 tuổi, tuổi càng lớn, sức khỏe càng sa sút. Mấy năm trước, tôi có thể chạy xe từ 6 giờ sáng đến 24 giờ đêm song giờ đây điều đó là không thể. Vì vậy, tôi rất muốn được tham gia BHXH bắt buộc để sau này có lương hưu nhưng ở tuổi tôi, muốn chuyển đổi nghề nghiệp không dễ dàng. Vì vậy, nếu Xanh SM có chính sách ký hợp đồng và đóng BHXH cho cả tài xế xe máy điện thì quá tốt, dĩ nhiên đi kèm đó, tài xế sẽ phải chấp nhận các ràng buộc"- chị Hạnh nói.

Còn anh Nguyễn Văn Toàn (ở trọ tại quận 8) cũng đã có gần 3 năm chạy Grab với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ chi phí ăn uống cá nhân. Anh Toàn trước là nhân viên văn phòng làm việc tại quận 6 nhưng khi dịch bệnh bùng phát, công ty khó khăn, anh bị mất việc và chuyển sang chạy xe công nghệ. Anh đã từng tham gia BHXH bắt buộc nhưng từ khi chuyển sang chạy xe công nghệ, anh đã ngừng tham gia và rút BHXH một lần. Anh kể, ban đầu anh không định rút vì không tính chạy xe công nghệ lâu dài song vợ mang thai đứa thứ 2 và phải tạm thời nghỉ việc do sức khỏe yếu, gánh nặng kinh tế đè lên vai trong khi rất khó xin việc văn phòng có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng nên anh đành tiếp tục chạy xe và xem đây là công việc chính.

Anh nói: "Xu hướng ngày càng có nhiều nước công nhận tài xế công nghệ là người lao động. Tôi mong rằng ở Việt Nam, điều đó cũng sớm được công nhận để cánh tài xế được hưởng các quyền lợi nên có và xem đây là một nghề nghiệp, gắn gó lâu dài bởi dù là đối tác nhưng hiện nay chúng tôi vẫn chịu sự ràng buộc của doanh nghiệp, vẫn có thưởng, có chế tài… không khác người lao động là mấy. Không chỉ vậy, chúng tôi còn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro"

Link nội dung: https://doanhnhandoanhnghiepviet.com/cam-mat-ngoai-duong-ca-ngay-tai-xe-xe-cong-nghe-lo-tuong-lai-mo-mit-a30865.html