Sốc nặng với giá cà phê Robusta

Giá cà phê Robusta đã mất 266-334 USD/tấn, tương đương tỉ lệ từ 5,57-6,13% chỉ trong đêm qua sau một số thông tin bất lợi tác động đến ngành cà phê

Rạng sáng 3-10, giới kinh doanh cà phê sốc nặng khi chứng kiến giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 11 khép phiên giao dịch sàn ICE Futures Europe (London, Anh) rớt chỉ còn 5.111 USD/tấn, thấp hơn giá khớp hôm trước tới 334 USD/tấn (giảm khoảng 8.150 đồng/kg), tương đương 6,13%. So với đỉnh kỷ lục ngày 27-9, giá cà phê Robusta ở kỳ hạn này đã mất đến 416 US/tấn.

Ở kỳ hạn giao hằng tháng 1-2025, giá cà phê Robusta cũng giảm đến 317 USD/tấn, còn 4.862 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 3-2025 xuống còn 4.651 USD/tấn, giảm 294 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5-2025 còn 4.511 USD/tấn, giảm 266 USD/tấn.

Trước đó, giá cà phê Robusta ngày 2-10 biến động dữ dội, có lúc đã bật xanh lên mức 5.466 USD/tấn, tăng 21 USD/tấn và giảm mạnh nhất xuống 5.097 USD/tấn, giảm 348 USD/tấn.

Đây là một phiên lao dốc khủng khiếp của cà phê Robusta – loại cà phê Việt Nam đứng số 1 về xuất khẩu trên thế giới.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York (Mỹ) cũng có 1 phiên đỏ sàn. Theo đó, giá cà phê Arabica giao vào tháng 12 giảm 130 USD/tấn, xuống còn 5.650 USD/tấn, tương đương mức giảm 2,26%. Ở các kỳ hạn giao hàng xa hơn, giá cà phê Arabica cũng giảm khoảng 2%.

Sốc nặng với giá cà phê Robusta- Ảnh 1.

Giá cà phê Robusta có 1 phiên lao dốc trên sàn London

Nguyên nhân trực tiếp khiến giá cà phê trên sàn lao dốc được các chuyên gia chỉ ra bởi ngày 2-10, Ủy ban châu Âu (EU) thông báo hoãn việc thực hiện luật chống phá rừng (EUDR) sau khi nhận được sự phản đối của các nước xuất khẩu các loại nông sản bị ảnh hưởng như: cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, đồ gỗ…

Theo lộ trình, EUDR được áp dụng từ năm 2025, yêu cầu các nhà sản xuất phải chứng minh các sản phẩm trên không có nguồn gốc từ phá rừng. Điều này khiến cho nhiều lô cà phê trở nên không đạt chuẩn nhập khẩu vào EU, không chỉ do ảnh hưởng phá rừng mà do không đáp ứng về thủ tục, hồ sơ.

Nếu EUDR áp dụng theo lộ trình, nguồn cung cà phê sẽ trở nên thiếu hụt, góp phần đẩy giá cà phê lên cao. Do đó, khi EUDR hoãn áp dụng, giá cà phê hạ nhiệt theo.

Bên cạnh đó, chiến sự leo thang tại Trung Đông cũng khiến các nhà đầu tư có tâm lý muốn rút vốn khỏi thị trường.

Về mùa vụ, Việt Nam hiện đang bắt đầu thu hoạch với dự báo khả quan. Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cà phê khảo sát vùng trồng cho thấy nhờ giá cà phê tăng cao thời gian qua nên nhà vườn tập trung chăm sóc tốt.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk), dù bị ảnh hưởng bởi khô hạn vào đầu năm khiến năng suất cà phê giảm nhưng mức giảm ở khoảng 5-10%, không quá nghiêm trọng. Trước đó, một số dự báo nói rằng Việt Nam có thể hụt từ 10-20% sản lượng do mất mùa và diện tích trồng bị thu hẹp.

Giá cà phê đầu vụ giảm

Tại thị trường nội địa, giá cà phê giao động ở mức từ 110.000 – 120.000 đồng/kg, giảm nhẹ so với trước đây nhưng vẫn ở mức cao. So với đầu vụ tháng 10 năm ngoái, giá đã tăng gấp đôi.

Link nội dung: https://doanhnhandoanhnghiepviet.com/soc-nang-voi-gia-ca-phe-robusta-a31030.html