Đón loạt tin vui, cổ phiếu HPG vẫn "đỏ"

Sau khi công bố sẽ chạy thử Dự án Dung Quất 2 vào cuối năm, doanh thu 9 tháng đầu năm tăng 23% và kỳ vọng giá thép phục hồi, cổ phiếu HPG của Hoà Phát vẫn chịu áp lực giảm điểm.

Tiếp nối đà thăng hoa, chỉ sau ít phút mở cửa VN-Index đã bật tăng gần 10 điểm lên mốc 1.291 điểm. Sắc xanh chiếm thế trên bảng điện tử, hầu hết các cổ phiếu đều tăng điểm tốt. 

Trong khi đó, cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hoà Phát lại giảm nhẹ về vùng 27.400 đồng/cổ phiếu.

 Chạy thử Dự án Dung Quất 2 vào cuối năm nay  

Mới đây, Hoà Phát đã ra thông tin tập đoàn đang dồn lực triển khai xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, quy mô 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm.

Theo Hoà Phát, hiện tại dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2. Theo tiến độ hiện nay, phân kỳ 1 dự kiến sẽ có sản phẩm chạy thử nóng lò cán đầu tiên vào cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, đà giảm của cổ phiếu HPG còn trái ngược với kết quả kinh doanh sơ bộ quý III/2024 mà tập đoàn vừa công bố. Cụ thể, quý III/2024, Hoà Phát ghi nhận doanh thu hơn 34.000 tỷ đồng, tăng 19% so với con số 28.766 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Hoà Phát ghi nhận doanh thu hơn 105.000 tỷ đồng, tăng 23% so với 85.431 tỷ đồng cùng kỳ năm trước, qua đó hoàn thành 75% kế hoạch năm đề ra.

Tuy nhiên, tập đoàn chưa tiết lộ lợi nhuận quý III và 9 tháng đầu năm 2024 trong bản công bố kết quả kinh doanh sơ bộ.

Đón loạt tin vui, cổ phiếu HPG vẫn "đỏ"- Ảnh 1.

Diễn biến thị giá cổ phiếu HPG (Nguồn: TradingView).

Theo Hoà Phát, thị trường thép trong quý III vừa qua nhìn chung còn nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước, giá bán có xu hướng giảm. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép của Hòa Phát đạt trên 2 triệu tấn, giảm 7% so với quý II năm nay. Sản lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao quý III đạt gần 1,1 triệu tấn, giảm 14% so với quý trước.

Lũy kế 9 tháng năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 6,4 triệu tấn thép thô, tăng 34% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng bán hàng thép các loại (chưa bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ) đạt 6,1 triệu tấn, tăng 32%. Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đóng góp 3,3 triệu tấn, tăng 29%. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 2,27 triệu tấn và phôi thép đạt 505.000 tấn.

Khối ngoại "đổ xô" mua ròng

Sau gần 4 tháng bị khối ngoại "xả" bán ròng hơn 5.00 tỷ đồng, phiên 8/10 vừa qua cổ phiếu HPG bất ngờ được nhà đầu tư nước ngoài gom gần 5 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị mua ròng khoảng 137 tỷ đồng.

Sang phiên 9/10, mã HPG cũng được khối ngoại gom mua ròng nhiều nhất với 237 tỷ đồng. Nhờ đó, giá trị mua ròng của khối ngoại tại HPG lũy kế từ đầu tháng 10 chuyển từ âm sang dương hơn trăm tỷ đồng.

HPG bị khối ngoại bán ròng 22 phiên liên tiếp, cổ phiếu HPG bị khối ngoại bán ròng 22 phiên liên tiếp, cổ phiếu "quốc dân" còn hấp dẫn?ĐỌC NGAY

Hiện thị giá HPG đang ở vùng cao nhất trong 2 tháng trở lại đây. Trước đó trong tháng 8 và tháng 9, mã HPG có thời điểm dưới 25.000 đồng/cổ phiếu trước áp lực bán ròng từ khối ngoại.

Việc khối ngoại đảo chiều mua ròng diễn ra trong bối cảnh Hòa Phát vừa điều chỉnh giá bán cho các sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) và thép xây dựng. Ngoài thép HRC, giá thép dây và thép cuộn dùng cho lĩnh vực xây dựng cũng ghi nhận mức tăng đáng kể.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố kế hoạch tung ra gói kích thích tiền tệ lớn và quan trọng nhất kể từ thời Covid để ngăn chặn sự lao dốc không phanh của thị trường nhà ở, giá thép thế giới ngay lập tức tăng nóng.

Giá thép tiếp tục phục hồi

Dự báo về giá thép trong thời gian tới, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng có thể tiếp tục phục hồi dự báo chủ yếu do nguồn cung thắt chặt kể từ quý IV/2024.

Về nhu cầu, tiêu thụ thép có thể phục hồi trong ngắn hạn do một số thành phố như Thượng Hải và Giang Tô có kế hoạch tái thiết cơ sở hạ tầng. Giá thép nội địa có thể phục hồi kể từ quý IV/2024 do áp lực từ Trung Quốc giảm và nhu cầu cải thiện (nhờ nguồn cung thị trường nhà ở ấm lên và đẩy mạnh đầu tư công).

MBS cho rằng doanh nghiệp đầu ngành thép này sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của giá trong nước. Vì vậy, theo ước tính, lợi nhuận ròng trong giai đoạn 2024-2025 có thể tăng 74% và 51% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tăng trưởng và biên lợi nhuận gộp cải thiện.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép trong 2 quý cuối năm sẽ tiếp tục duy trì mức tăng hai chữ số so với cùng kỳ nhờ các chương trình thúc đẩy nền kinh tế của Chính phủ dần có hiệu quả và việc xây dựng lại các công trình sau bão Yagi.

Trong trung hạn, động lực thúc đẩy kết quả kinh doanh của Hòa Phát còn đến từ việc đưa vào vận hành dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất tối đa đạt 5,6 triệu tấn thép/năm, tập trung vào dòng thép cuộn cán nóng (HRC) và các dòng thép chất lượng cao.

Về triển vọng, Chứng khoán Vietcap (VCSC) khuyến nghị "Mua" đối với cổ phiếu HPG, nhưng đã điều chỉnh giảm giá mục tiêu xuống 32.100 đồng/cổ phiếu, giảm 9% so với dự báo trước đó.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc hạ giá mục tiêu là do VCSC đã điều chỉnh giảm 5% dự báo lợi nhuận ròng giai đoạn 2024-2028, cũng như giảm 21% định giá P/E do dự báo lợi nhuận ròng trung bình giai đoạn 2024-2025 giảm 21%.

Dù vậy, VCSC vẫn duy trì mức P/E mục tiêu ở mức 18,0, phản ánh kỳ vọng vào giai đoạn tăng trưởng mạnh của HPG trong thời gian tới.

Link nội dung: https://doanhnhandoanhnghiepviet.com/don-loat-tin-vui-co-phieu-hpg-van-do-a32160.html