Thủ tướng đưa ra một đề nghị quan trọng về dự án 67,3 tỷ USD khi hội kiến với Tổng thống Hàn Quốc

Tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong đó có đường sắt.

Sáng 10/10, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 44, 45 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Thủ đô Vientiane (Lào), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.

Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc làm ăn lâu dài ở Việt Nam, đề nghị Hàn Quốc tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là nông sản, nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc.

Đặc biệt, Thủ tướng, "đề nghị Hàn Quốc cung cấp các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam để triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn, mang tính biểu tượng như đường sắt, đường bộ cao tốc", VOV trích dẫn nội dung cuộc hội đàm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng hoan nghênh sáng kiến của Hàn Quốc về đào tạo tài năng trẻ cho các nước ASEAN, bày tỏ mong muốn Hàn Quốc sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ sáng kiến này.

Thủ tướng đưa ra một đề nghị quan trọng về dự án 67,3 tỷ USD khi hội kiến với Tổng thống Hàn Quốc- Ảnh 1.

Tổng thống Yoon Suk-yeol mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đáp lời lại, Tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực.

Ông đề nghị Việt Nam tạo điều kiện cho nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia vào các dự án hạ tầng, phát triển đô thị, năng lượng, khí hóa lỏng (LNG) ở Việt Nam; khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Hàn Quốc.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và cùng đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào xử lý các vấn đề chung của khu vực và toàn cầu. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chuyển lời mời tới Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) vào năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Đất đai Hàn Quốc đề xuất hợp tác đường sắt tốc độ cao với Việt Nam

Vào hồi tháng 7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang đã có cuộc gặp gỡ và làm việc với Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) Park Sang Woo về tăng cường hợp tác lĩnh vực GTVT.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Park Sang Woo đánh giá Việt Nam là quốc gia đang có tốc độ phát triển rất cao. Lãnh đạo hai nước đã thống nhất tăng cường hợp tác, vì vậy, Hàn Quốc mong muốn có nhiều hợp tác cụ thể hơn nữa trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Thủ tướng đưa ra một đề nghị quan trọng về dự án 67,3 tỷ USD khi hội kiến với Tổng thống Hàn Quốc- Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang và Bộ trưởng Bộ MOLIT Hàn Quốc Park Sang Woo tại buổi làm việc - Ảnh: Báo Giao thông

Bộ GTVT Việt Nam và Bộ MOLIT đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực giao thông, đây là cơ sở để hai bên có những hợp tác cụ thể. Bộ trưởng Park Sang Woo đề nghị tới đây hai Bộ có thể ký các MOU trong từng lĩnh vực như đường sắt, đường bộ, hàng không, hàng hải.

"Thông qua việc ký MOU, chúng tôi hy vọng hai bên sẽ có những bước tiến hợp tác thực chất. Trước mắt có thể ký MOU trong lĩnh vực đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao", Bộ trưởng Park Sang Woo đề nghị.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Á chỉ sau Nhật Bản phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao và đây cũng là một điển hình trong việc chuyển giao công nghệ và nội địa hóa ngành công nghiệp phục vụ hệ thống đường sắt tốc độ cao.

Trong lĩnh vực đường sắt, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đề nghị Hàn Quốc chia sẻ những kinh nghiệm về đầu tư phát triển, khai thác hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao và hỗ trợ Việt Nam về tiếp nhận, làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao cũng như phát triển ngành công nghiệp đường sắt.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).

Trên toàn tuyến sẽ được bố trí 23 ga khách với cự ly trung bình từ 50 - 70 km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa, phục vụ tốt hậu cần quốc phòng khi có nhu cầu.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỷ USD, dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD.

Theo lộ trình dự kiến, dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 10/2024; khởi công cuối năm 2027, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.


Link nội dung: https://doanhnhandoanhnghiepviet.com/thu-tuong-dua-ra-mot-de-nghi-quan-trong-ve-du-an-673-ty-usd-khi-hoi-kien-voi-tong-thong-han-quoc-a32366.html