Nên cho người lao động nghỉ việc trái quy định hưởng bảo hiểm thất nghiệp?

Nếu người lao động bị sa thải, đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định nhưng không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì không hợp lý

Theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhưng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) nếu thuộc các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc trái pháp luật; Người lao động bị sa thải hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc; Người lao động hưởng lương hưu; Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc.

Như vậy, so với Luật Việc làm hiện hành, đối tượng không được hưởng TCTN được mở rộng, tăng thêm 2 trường hợp là người lao động bị sa thải và người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi nghỉ việc.

Nên cho người lao động nghỉ việc trái quy định hưởng bảo hiểm thất nghiệp?- Ảnh 1.

Người lao động làm thủ tục hưởng BHTN tại sàn giao dịch việc làm

Góp ý cho dự thảo Luật Việc làm, ông Đặng Huy Cường, cán bộ Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), đề nghị nên xem xét lại quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định, bị sa thải không được hưởng TCTN. 

Bởi lẽ, theo quy định người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng sẽ bị sa thải.

Nhưng thực tế, không ít người lao động phải nghỉ việc nhiều ngày vì lý do mâu thuận trong công việc hay xin thôi việc nhưng không được người sử dụng lao động chấp nhận, buộc phải đơn phương chấp dứt HĐLĐ hoặc bỏ việc dẫn đến bị sa thải. 

"Trong trường hợp này, nếu người lao động có đủ thời gian đóng BHTN theo quy định thì nên xem xét cho họ được hưởng TCTN khi chưa có việc làm" - ông Cường đề xuất.

Cùng ý kiến, Lê Văn Lắm, công nhân Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh, đề xuất xem xét bỏ nội dung này vì Bộ Luật Lao động năm 2019 đã quy định rõ việc giải quyết tranh chấp lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. 

Theo đó, trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì họ đã phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người sử dụng lao động theo quy định. Vì vậy, nếu không giải quyết hưởng TCTN cho người lao động có đóng vào quỹ BHTN là không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Liên quan đến quy định này, Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, cũng băn khoăn vì theo quy định người lao động không có việc làm ngoài được hưởng TCTN còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác như đào tạo nghề, giới thiểu việc làm, vay vốn ưu đãi… Khi không được hưởng TCTN đồng nghĩa với việc họ không nhận được các khoản hỗ trợ liên quan, rất khó khăn và cảm thấy thiệt thòi vì không được hưởng chế độ dù trước đó có tham gia BHTN, thậm chí trong thời gian dài.

Hơn nữa, trong thực tế có không ít trường hợp người lao động bị người sử dụng chèn ép, sa thải, đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định pháp luật. Nếu người lao động được tòa án phán quyết là bị sa thải, bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái quy định nhưng họ không được hưởng BHTN thì không hợp lý. Do vậy, ông Tín kiến nghị khi sửa đổi Luật Việc làm cần xem xét kỹ tình huống này để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.

Link nội dung: https://doanhnhandoanhnghiepviet.com/nen-cho-nguoi-lao-dong-nghi-viec-trai-quy-dinh-huong-bao-hiem-that-nghiep-a34105.html