Ba lần khởi nghiệp của ái nữ nhà "Vua cúc áo": Bị lừa tiền vì "đối tác bảo gì làm nấy", đặt ra nguyên tắc "không bao giờ cúp máy của chủ nợ"

Admin

"Một tiêu chí khi nợ là không bao giờ được cúp máy chủ nợ. Các đối tác khác của bạn có thể chạy, nhưng bạn thì không được cúp. Đó là uy tín của mình. Bạn sẽ nhận ra là chủ nợ không bao giờ giết mình. Giết thì làm sao mình trả nợ được", chị Tôn Nữ Xuân Quyên, Founder của BluSaigon – startup từng được rót 4 tỷ đồng hậu Shark Tank Việt Nam, chia sẻ.

Hồi tháng 4/2022, sau một năm thẩm định, startup BluSaigon của Founder Tôn Nữ Xuân Quyên chính thức được Shark Nguyễn Thanh Việt đầu tư 4 tỷ đồng như cam kết trên chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4. Sản phẩm chủ đạo của BluSaigon là bút khảm ngọc trai cao cấp, có giá từ 1,2 triệu đến 20 triệu đồng mỗi chiếc.

Là con gái của "Vua cúc áo" Tôn Thạnh Nghĩa nhưng chị Quyên không chọn tiếp quản sự nghiệp kinh doanh của gia đình (Công ty Tôn Văn - chuyên xuất khẩu cúc áo bằng vỏ sò và ngọc trai sang các nước lớn trên thế giới). Nữ doanh nhân này chọn hướng đi khác với niềm tin bút ngọc trai sẽ trở thành sản phẩm quà tặng quốc gia, cũng như khả năng mang lại lợi nhuận cao với thị trường lên tới 40 tỷ USD, lợi nhuận 400 triệu USD mỗi năm.

Ba lần khởi nghiệp của ái nữ nhà "Vua cúc áo": Bị lừa tiền vì "đối tác bảo gì làm nấy", đặt ra nguyên tắc "không bao giờ cúp máy của chủ nợ"- Ảnh 1.

Founder BluSaigon Tôn Nữ Xuân Quyên và Shark Nguyễn Thanh Việt trên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 4.

"Gồng lỗ" suốt 7 năm

Trước khi thành công với BluSaigon như hiện nay, Tôn Nữ Xuân Quyên đã trải qua nhiều gian nan trên hành trình khởi nghiệp. Do "chỉ giỏi lý thuyết tài chính" mà thiếu kinh nghiệm thực tế, startup đầu tiên của chị Quyên thất bại trong vòng 6 tháng, mất hết sạch vốn.

"Sau khi rời Mỹ về Việt Nam và làm kiểm toán một thời gian, tôi quyết định khởi nghiệp lần thứ 2 với sản phẩm cơm kẹp nhưng vẫn thất bại. Lần này còn đau đớn hơn vì thời gian kéo dài và lỗ trong vòng 7 năm", Founder BluSaigon chia sẻ trong series podcast Chapter 0 của Rising Vietnam.

Thất bại này để lại rất nhiều bài học cho nữ doanh nhân trẻ. Một là sản phẩm không phù hợp với thị trường nhưng vẫn cố chấp, "đơn giản là vì thích, còn nghĩ mình làm cái gì cũng thành công". Thứ hai, chị thừa nhận lúc đó chưa hiểu văn hóa, thị trường, cách quản trị con người, cách tính lương…

"Ngay cả việc ký hợp đồng cũng thấy ai nói sao nghe vậy. Họ bảo ký tay thì ký tay, mang hợp đồng ra công chứng thì công chứng, cũng không biết cách đàm phán giá. Tất cả mọi thứ đều làm một cách rất bản năng. Kiến thức của mình là tài chính ở Mỹ, chứ mình không hiểu thị trường Việt Nam đang vận hành ra sao", chị Quyên bày tỏ.

Đến lần khởi nghiệp thứ ba với BluSaigon, startup đã có nền tảng tốt hơn nhiều. Thứ nhất là bán mặt hàng xã hội cần, trong bối cảnh tặng phẩm cao cấp của Việt Nam chưa có nhiều.

Thứ hai là Founder khởi nghiệp với thứ mình đam mê. Là con gái của "vua nút áo" Tôn Thạnh Nghĩa, chị Quyên lớn lên cùng những chiếc vỏ sò, vỏ ốc, vỏ ngọc trai nên trong tiềm thức vốn có niềm yêu thích. Yếu tố thứ ba là tận dụng những điểm mạnh từ bản thân chị Quyên và gia đình.

"BluSaigon được tạo ra để giữ việc làm cho người nghệ nhân, vừa giúp mình phát triển bản thân tốt hơn, vừa có thể phục vụ quốc gia tốt hơn", nữ Founder nhìn nhận.

Ba lần khởi nghiệp của ái nữ nhà "Vua cúc áo": Bị lừa tiền vì "đối tác bảo gì làm nấy", đặt ra nguyên tắc "không bao giờ cúp máy của chủ nợ"- Ảnh 2.

Tiêu chí khi nợ: Không bao giờ được cúp máy của chủ nợ

Chia sẻ cụ thể hơn về 2 lần khởi nghiệp thất bại, chị Quyên cho biết lần thứ nhất đóng cửa công ty vì kỹ năng chưa đủ. Ở lần thứ hai, khó khăn ban đầu là do không biết về văn hóa, không có kinh nghiệm.

"Ngay cả trong việc hợp tác, tôi cũng bị lừa suốt. Khi mình chỉ tầm 5-6 điểm thì cũng tìm được những đối tác 5-6 điểm thôi. Đó là những đối tác có thể lừa bạn mà bạn không biết. Thật ra lằn ranh giữa lừa và không lừa rất mỏng manh. Nếu mình không quản lý chặt thì họ trở thành lừa đảo trong một nốt nhạc.

Một ví dụ là ban đầu đối tác bảo đặt trước 200 – 300 triệu đồng, mình cũng làm. Sau đó họ nói là chỗ bạn bè không cần hợp đồng, mình cũng chịu. Cuối cùng họ bảo file video quay xong rồi, nhưng đi trên đường lỡ làm rớt và vỡ thẻ SD nên không có sản phẩm đưa cho mình. Giờ tin hay không tin?

Mình đã đặt đầu mũi dao chĩa vô mình, không cầm cán ngay từ đầu nên phải chấp nhận. Những lần như thế trả giá bằng tiền. Đỉnh điểm là giai đoạn tôi vừa lập gia đình, có em bé, rất nhiều người đòi nợ gọi tới. Nợ rất nhiều, vì mất sạch tiền mà. Mình phải gồng gánh hàng tháng để trả.

Một tiêu chí khi nợ là không bao giờ được cúp máy chủ nợ. Các đối tác khác của bạn có thể chạy, nhưng bạn thì không được cúp. Đó là uy tín của mình. Bạn sẽ nhận ra là chủ nợ không bao giờ giết mình. Giết thì làm sao mình trả nợ được. Vì vậy, miễn là bạn cam kết. Không trả được 1 triệu thì trả 100.000 hàng tháng. Cứ giữ lời hứa như vậy thì chủ nợ sẽ cho mình sống, cuối cùng mình cũng hết nợ", chị Quyên kể lại.

Ba lần khởi nghiệp của ái nữ nhà "Vua cúc áo": Bị lừa tiền vì "đối tác bảo gì làm nấy", đặt ra nguyên tắc "không bao giờ cúp máy của chủ nợ"- Ảnh 3.

Sản phẩm bút ngọc trai của BluSaigon.

Về mảng kinh doanh của BluSaigon, do đây là thị trường hoàn toàn mới tại Việt Nam nên chị Quyên cùng đội ngũ phải tự mày mò. Nữ Founder chỉ ra cách làm nhanh nhất là "copy and change" (sao chép và thay đổi), áp dụng được cho tất cả các ngành.

"Thế giới này có mấy tỷ người nên khi mình có ý tưởng nào thì chắc chắn ngoài kia có người đã làm rồi, và làm rất tốt. Bút cao cấp có thể chưa thịnh hành tại Việt Nam nhưng đã phổ biến trên thế giới. Vậy thì cách làm là sao chép cho giống người ta trước, sau đó mới thay đổi, sáng tạo.

Chúng tôi mua những sản phẩm bút cao cấp về, gỡ tất cả các bộ phận ra rồi chế lại máy của mình, làm từng cái khoen, nắp bút... Cuối cùng ráp lại xem nó có giống y chang bản mẫu hay không, về cả trọng lượng cho tới nét bút. Mình phải tìm cho ra nhà sản xuất ngòi bút như thế.

Sau khoảng 5-6 năm, sản phẩm nhiều khi bị oxy hóa vì làm từ vỏ ngọc trai, nên chúng tôi phải phủ thêm nano. Cứ từ từ hoàn thiện sản phẩm. Đến khi sao chép tốt rồi, BluSaigon mới thay đổi bằng cách có thêm nhà thiết kế của Pháp, Đức để làm ra những mẫu của riêng mình. Chính vì vậy, các mẫu sau này là của riêng BluSaigon", nữ doanh nhân chia sẻ.