Dấu ấn 30 năm phát triển: KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý gần 740.000 tỷ đồng, trong đó 40% là kiến nghị tăng thu và giảm chi ngân sách

Admin

Ngày 3/7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Kiểm toán Nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển”, là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm, hướng tới 30 năm thành lập KTNN (11/7/1994 - 11/7/2024).

Dấu ấn 30 năm phát triển: KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý gần 740.000 tỷ đồng, trong đó 40% là kiến nghị tăng thu và giảm chi ngân sách- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: BTC

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, sự ra đời của KTNN là một tất yếu khách quan, yêu cầu không thể thiếu trong việc hoàn thiện công tác quản lý nguồn lực tài chính quốc gia, ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thất thoát ngân sách nhà nước.

Thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện của Đảng vào những năm 1990, công tác quản lý tài chính ngân sách của đất nước có nhiều thay đổi, thích ứng với công cuộc đổi mới, thích ứng với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước và đặc biệt thích ứng với các thông lệ quốc tế, chúng ta đã được chứng kiến sự ra đời của luật Ngân sách nhà nước, các luật về thuế, luật về KTNN, sự ra đời của các tổ chức chuyên biệt trong ngành tài chính như kho bạc, thuế, hải quan và đặc biệt là KTNN .

Trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, KTNN luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Tập thể lãnh đạo KTNN , công chức, viên chức và người lao động của KTNN đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, tạo nên những bước tiến vững chắc, toàn diện với nhiều thành tựu đáng tự hào.

Dấu ấn 30 năm phát triển: KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý gần 740.000 tỷ đồng, trong đó 40% là kiến nghị tăng thu và giảm chi ngân sách- Ảnh 2.

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: BTC

Từ một cơ quan "giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế nhà nước và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp", địa vị pháp lý là cơ quan thuộc Chính phủ, khuôn khổ pháp lý hoạt động là Nghị định của Chính phủ, KTNN đã vươn lên trở thành cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Địa vị pháp lý được hiến định tại Hiến pháp 2013; hoạt động theo Luật KTNN. KTNN đã có một bước tiến rất lớn trong việc xác định địa vị pháp lý cũng như chức năng, vai trò của KTNN.

Xuyên suốt 30 năm qua, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ phát triển, KTNN luôn chủ động bám sát chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để thực hiện hiệu quả công việc được giao. Hoạt động kiểm toán từng bước đổi mới về nội dung, phương pháp; chất lượng không ngừng nâng lên. KTNN ngày càng khẳng định là công cụ quan trọng, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công…

Kết quả kiểm toán của KTNN đã giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém; kết quả kiểm toán cũng phát hiện nhiều bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hoạt động của KTNN cũng đã góp phần quan trọng làm minh bạch nền tài chính quốc gia; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của quốc gia.

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết: Cách đây 30 năm, KTNN được thành lập theo Nghị định 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ. Từ những ngày đầu đầy khó khăn, thiếu thốn từ con người đến cơ sở vật chất làm việc; nhưng với lòng quyết tâm của các thế hệ cán bộ qua các thời kỳ và sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo ủng hộ nhiệt thành của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, đến nay bộ máy hoạt động của KTNN đã được kiện toàn

Trên thế giới, KTNN đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Ở nước ta, Kiểm toán Nhà nước mới được thành lập 30 năm nay. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với lòng quyết tâm của các thế hệ cán bộ qua các thời kỳ và sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ nhiệt thành của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, đến nay, bộ máy hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đã được kiện toàn với 32 đơn vị (9 đơn vị tham mưu, 8 Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, 13 Kiểm toán Nhà nước khu vực và 2 đơn vị sự nghiệp) và hơn 2.000 công chức, viên chức, người lao động.

Dấu ấn 30 năm phát triển: KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý gần 740.000 tỷ đồng, trong đó 40% là kiến nghị tăng thu và giảm chi ngân sách- Ảnh 3.

Các đại biểu trao đổi tại các phiên tọa đàm trong khuôn khổ Hội thảo - Ảnh: BTC

Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý gần 740.000 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng trên 40%. Bên cạnh đó, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 2.200 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai hoặc không phù hợp quy định của Nhà nước và thực tiễn; trong đó, đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Bảo hiểm xã hội…

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến, tư liệu góp phần làm sâu sắc thêm những nét riêng, độc đáo trong quá trình xây dựng và phát triển của Kiểm toán Nhà nước cũng như những bài học kinh nghiệm qua 30 năm xây dựng và phát triển; trao đổi, đề xuất những định hướng, giải pháp mang tính chiến lược nhằm phát triển Kiểm toán Nhà nước ngày càng vững mạnh.