Giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Kiên Giang chuyển biến tích cực

Admin

Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Kiên Giang hơn 25.519 tỷ đồng, bằng 46,87% kế hoạch, tăng 11,95% so với cùng kỳ năm 2023.

Kim ngạch xuất khẩu tăng

Sở Công thương Kiên Giang cho biết, một số sản phẩm sản lượng tăng cao như: Giày da 27,29%, bột cá 12,75%, khai thác đá 10,53%, điện thương phẩm 10,30%, cá hộp 9,57%, quần áo may sẵn 9,58%...

Bên cạnh đó, do khó khăn về nguyên liệu, thị trường tiêu thụ dẫn đến một số sản phẩm sản lượng giảm như: Tôm đông (-15,06%), clinker (-11,13%), xi măng (-10,18%), bao bì (-6,66%)...

Đối với hoạt động ngoại thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của tỉnh hơn 470,80 triệu USD, đạt 51,17% kế hoạch, tăng 14,54% so cùng kỳ năm 2023. Các sản phẩm hàng hóa chủ lực xuất khẩu của tỉnh, gồm: Gạo 185,33 triệu USD, hải sản 94,50 triệu USD, giày da 133,92 triệu USD, hàng khác 56,30 triệu USD...

Giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của Kiên Giang 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên dưới 50% kế hoạch, tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 do tỉnh đã quyết liệt, tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, có ngành công nghiệp là một trong 3 trụ cột kinh tế chủ lực của tỉnh (công nghiệp - nông nghiệp - du lịch) có những chuyển biến tích cực.

Mặt khác, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh kết hợp các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa và xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tỉnh quyết liệt thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh gắn với xử lý, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, đơn hàng của một số nhóm, ngành có chiều hướng tăng mạnh trở lại, nhờ sự hồi phục của thị trường thế giới và thị trường hàng hóa trong nước sôi động hơn.

Đồng thời, năng lực của các doanh nghiệp được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mặt bằng lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm.

Ngoài ra, hoạt động của các khu và cụm công nghiệp trong tỉnh ổn định, thu hút thêm một số nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các cụm nhà máy chế biến trên địa bàn.

Tuy nhiên, hoạt động kinh tế công nghiệp của tỉnh tiếp tục chịu sự tác động chung từ tình hình kinh tế toàn cầu và chiến sự, điểm nóng trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường…

Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang Trương Văn Minh cho biết, việc vận chuyển hàng hóa qua eo Biển Đỏ bị cản trở làm tăng chi phí logistic và giá cả nhiên liệu đầu vào, dẫn đến chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm.

Mặt khác, tình trạng suy thoái kinh tế đã và đang diễn ra ở một số nước lớn, tình trạng lạm phát còn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng tại một số thị trường chủ lực giảm… làm cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của một số doanh nghiệp bị đình trệ.

Thị trường bất động sản trong nước chưa có tín hiệu khả quan, chậm hồi phục, dư thừa nguồn cung; nguồn nguyên liệu thuỷ sản thiếu hụt cục bộ; việc tuyển dụng lao động tại các nhà máy giày da còn khó khăn; các rào cản thương mại ngày càng gay gắt, mặt bằng lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng vẫn còn chậm… đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất của một số nhóm ngành công nghiệp.

Kinh tế vĩ mô - Giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Kiên Giang chuyển biến tích cực

Sản xuất giày xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Vĩnh Hoà Hưng Nam, huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang).

Trong 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 29.947 tỷ đồng để cả năm đạt trên 55.467 tỷ đồng, vượt 1,88% kế hoạch, tăng hơn 10,02% so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt hơn 454,50 triệu USD để cả năm 2024 đạt từ 925 triệu USD trở lên.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang Trương Văn Minh nhận định, trong những tháng cuối năm 2024, sản xuất công nghiệp có những thuận lợi từ sự phục hồi của thị trường thế giới và các biện pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh dần phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp ổn định, từng bước hồi phục, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, các giải pháp điều hành về giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn lực để đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh; các doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu...

Để đạt và vượt kế hoạch sản xuất công nghiệp năm 2024, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở Công thương Kiên Giang chủ trì phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về phát triển, phục hồi sản xuất công nghiệp.

Trong đó, chủ động xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh Kiên Giang trong lĩnh vực công nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định và hồi phục nhanh hơn để thúc đẩy hoạt động sản xuất, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng công nghiệp trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2024.

Đồng thời, tỉnh tập trung quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn, trong đó, hoàn chỉnh thủ tục về xét chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật để giao doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp; ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp; đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh vào các cụm công nghiệp.

Hơn nữa, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về thị trường, nguồn nguyện liệu, công nhân lao động, tín dụng… gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển, phục hồi sản xuất công nghiệp tỉnh.

Ngoài ra, ngành chức năng cập nhật, thông tin, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định EVFTA, CPTPP và RCEP, thông tin tình hình thị trường trong và ngoài nước cho doanh nghiệp chủ động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa... để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh, xuất khẩu.