Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi: Quan trọng nhất là tuân thủ quy trình giám sát

Admin

Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi có nhiều quy định tiến bộ khi được triển khai trên thực tế sẽ tạo ra “luồng gió mới” cho hoạt động tín dụng.

Góp phần ngăn chặn sở hữu chéo

Luật Các Tổ chức tín dụng (Luật các TCTD) sửa đổi được Quốc hội thông qua vào ngày 18/1/2024 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Với nhiều điểm mới, Luật được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ, giúp cho các hoạt động của hệ thống tín dụng được trơn tru, minh bạch hơn và mang lại nhiều giá trị mới cho hoạt động tài chính, tín dụng trong thời gian tới.

Theo Điều 63 Luật các TCTD, tỉ lệ sở hữu tối đa với cổ đông cá nhân được xác định ở mức 5% nhưng cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Theo PGS.TS Trần Hùng Sơn, giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh, quy định về tỉ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng sẽ giúp hạn chế việc thâu tóm ngân hàng và bảo vệ cổ đông nhỏ tốt hơn.

Theo TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng, khi tỉ lệ sở hữu giảm tương đương với việc khả năng ảnh hưởng và kiểm soát của cổ đông đối với ngân hàng sẽ giảm theo, giúp hạn chế rủi ro thao túng, lũng đoạn tài chính. Đồng thời góp phần minh bạch hóa hệ thống tài chính bởi nếu cổ đông có tỉ lệ sở hữu lớn sẽ có thể dựa vào đó để đưa ra quyết định tạo ra lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.

Ngoài ra, khi ngăn được tình trạng sở hữu chéo, việc giám sát hoạt động ngân hàng sẽ trở nên rõ ràng và hiệu quả hơn, giúp cho cơ quan quản lý kiểm soát tốt hơn.

Tài chính - Ngân hàng - Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi: Quan trọng nhất là tuân thủ quy trình giám sát

Luật sư Lê Cao, Luật sư điều hành Công ty Luật FDVN.

Luật sư Lê Cao, Luật sư điều hành Công ty Luật FDVN nhận định, với các quy định trên, các tổ chức kinh tế đang đầu tư, kiểm soát ngân hàng sẽ dần phải rút bớt vốn, giảm sự ảnh hưởng tại các ngân hàng thông qua việc chiếm ưu thế về vốn.

Về mặt pháp lý, tác động của việc giảm tỉ lệ sở hữu như vậy nhằm tránh khả năng thao túng, thâu tóm của các doanh nghiệp đối với ngân hàng, là một giải pháp pháp lý để ngăn ngừa các doanh nghiệp, các cá nhân dùng ngân hàng làm sân sau để tự tung tự tác điều chuyển dòng tiền, dùng ngân hàng phục vụ cho doanh nghiệp.

Khi luật có quy định, việc kiểm soát các hoạt động góp vốn cũng làm tăng khả năng kiểm soát nguồn vốn và các doanh nghiệp đầu tư vào ngân hàng, làm cho dòng tiền được lưu chuyển vào các hoạt động kinh doanh nhiều hơn, về mặt lý thuyết pháp lý thì đang nỗ lực giảm sở hữu chéo tại các ngân hàng.

“Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, có cá nhân, doanh nghiệp dù sở hữu vốn tại ngân hàng rất ít nhưng bằng cách nào đó, họ thông qua những người không thân thích, không liên quan về mặt pháp lý đứng tên giúp để thao túng ngân hàng là vấn đề cần có sự kiểm soát trong quá trình hoạt động.

Chẳng hạn, bản thân cá nhân, doanh nghiệp tuân thủ tỉ lệ sở hữu cổ phần, nhưng họ sẽ vẫn có những “người dưng” theo luật mà lại là “người quen” ngoài đời đứng tên, gom cổ phần, chi phối, thao túng.

Chính vì vậy, cần có các giải pháp pháp lý kiểm soát để các quy định về tỉ lệ sở hữu được tuân thủ trên thực tế, nếu không sở hữu chéo vẫn âm thầm diễn ra, việc thao túng ngân hàng vẫn xảy ra”, Luật sư Lê Cao nhìn nhận.

Cấm hoạt động “bán bia kèm lạc”

Bên cạnh đó, theo khoản 5 Điều 15 của Luật các TCTD sửa đổi thì các hành vi của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Luật sư Lê Cao cho rằng, quy định này sẽ hạn chế việc bảo hiểm liên kết với ngân hàng để ép buộc người vay tiền. Hiện nay nhiều ngân hàng có sự hợp tác, hoặc chính ngân hàng hoặc chủ ngân hàng cũng là cổ đông sở hữu vốn tại các công ty bảo hiểm, do đó sự liên kết về lợi ích giữa các doanh nghiệp bảo hiểm càng chặt chẽ, dẫn đến việc “ép” khách hàng để vừa cho vay vốn, vừa bán được bảo hiểm.

Những năm qua với chiến lược “bia kèm lạc” gây phiền toái, ép buộc khách hàng đã dẫn tới thái độ của người dân với các sản phẩm bảo hiểm đi kèm hợp đồng tín dụng là rất bất bình, luật có quy định cấm nghiêm ngặt sẽ tách bạch hoạt động cấp tín dụng với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, điều này làm minh bạch thị trường bảo hiểm, tránh gây phiền hà cho người dân.

Tài chính - Ngân hàng - Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi: Quan trọng nhất là tuân thủ quy trình giám sát (Hình 2).

TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng.

Dù vậy, theo ông Huỳnh Trung Minh, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động ngân hàng, nhất là giảm doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm. Buộc ngân hàng phải tái cơ cấu sản phẩm, tái cơ cấu danh mục sản phẩm để bù đắp thu nhập mất đi khi bị hạn chế nguồn thu từ kênh bảo hiểm.

Các công ty bảo hiểm ảnh hưởng lớn bởi tỉ lệ doanh thu phí mới thông qua hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (Bancassurance) hiện nay chiếm tỉ trọng cao hơn cả doanh thu phí bảo hiểm truyền thống. Việc ngân hàng không được bán một số loại hình bảo hiểm sẽ làm cho doanh thu phí bảo hiểm mới đến từ bancassurance của các doanh nghiệp bảo hiểm giảm đáng kể.

Chưa kể đến việc, hiện nay phân khúc khách hàng mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng rất chọn lọc, khác biệt hẳn so với kênh truyền thống. Chính vì vậy, danh mục khách hàng mà mà công ty bảo hiểm có được từ việc bán bảo hiểm thông qua ngân hàng chắc chắn sẽ giảm đáng kể.

Ngoài ra, việc cấm các TCTD gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức còn tác động đến mối quan hệ giữa khách hàng với ngân hàng.

“Nếu trước đó ngân hàng hoạt động giống như “siêu thị tài chính”, có thể cung cấp đa dạng, tiện lợi các sản phẩm dịch vụ thì giờ khách hàng có nhu cầu có thể phải tìm đến công ty bảo hiểm khác để mua sản phẩm, làm giảm đi tính tiện lợi và sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ của ngân hàng”, ông Minh nêu quan điểm.

Luồng gió mới cho hoạt động tín dụng

Nhìn chung, khi đánh giá về Luật các TCTD sửa đổi, các chuyên gia đều nhận định, Luật Các TCTD 2024 sẽ có tác động lớn đến hoạt động tín dụng trong thời gian tới.

Luật sư Lê Cao cho rằng, Luật có nhiều quy định tiến bộ liên quan đến giảm thủ tục hành chính về cấp phép, quy định rõ quá trình tổ chức hoạt động, ứng dụng công nghệ và các thích ứng với hoạt động giao dịch điện tử mới trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Những đổi mới đó khi được triển khai thực thi trên thực tế sẽ tạo ra luồng gió mới cho hoạt động tín dụng và được kỳ vọng kiểm soát hoạt động tín dụng hiệu quả để dòng tiền lưu thông trong nền kinh tế minh bạch, có năng lượng thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo ông Sơn, Luật các TCTD sẽ hướng đến việc tăng cường sự minh bạch và an toàn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng và các ngân hàng cũng có thời gian chuẩn bị trước khi luật có hiệu lực.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, việc giám sát tuân thủ các quy định còn quan trọng hơn, do vậy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải thường xuyên đo lường mức độ tuân thủ để phát hiện các dấu hiệu vi phạm tránh để xảy ra các trường hợp vi phạm các quy định trong hoạt động vừa qua.

Tài chính - Ngân hàng - Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi: Quan trọng nhất là tuân thủ quy trình giám sát (Hình 3).

Ngân hàng Nhà nước cần phải thường xuyên đo lường mức độ tuân thủ để phát hiện các dấu hiệu vi phạm luật.

Luật sư Lê Cao chỉ ra, hiện nay hoạt động sai phạm tại các ngân hàng có những biến chuyển khó lường với các loại hành vi khác nhau, không chỉ là sai trái về nghiệp vụ ngân hàng mà còn các sai phạm có liên quan đến hệ thống kinh tế, do đó giám sát quản lý là một vấn đề quan trọng, phức tạp.

Về tổng thể thì việc giám sát quản lý đầu mối tất nhiên phải do NHNN chịu trách nhiệm và có thẩm quyền để có đầu mối thống nhất, tránh lắm mối đổ lỗi cho nhau, chối bỏ trách nhiệm.

Tuy nhiên, cũng cần tạo cơ chế phối hợp để các cơ quan khác khi phát hiện hoặc có giải pháp phối hợp để sớm ngăn chặn, giám sát hoạt động ngân hàng. Cần có quy định kiểm tra chéo, báo cáo độc lập và có cơ chế giám sát từ người dân, doanh nghiệp và cơ quan khác theo những phát hiện cụ thể thì NHNN phải minh bạch, công khai việc thanh kiểm tra khi có kết quả.

Quy định về quy trình giám sát cũng cần được thực hiện quy củ, tránh trường hợp cán bộ thanh tra kiểm tra nhưng lại bao che cho sai phạm. Hệ thống pháp luật cũng cần có cơ chế để thường xuyên kiểm tra, giám sát chéo, giám sát việc giám sát để việc giám sát không là tác nhân của tham nhũng tiêu cực.