"Mọi sáng kiến số cần lấy khách hàng làm trung tâm"

Admin

Theo Phó Giám đốc Khối bán lẻ phụ trách Ngân hàng số OCB, ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ, mà còn cần hướng tới việc trở thành một người bạn đồng hành không thể thiếu trong cuộc sống số của mỗi khách hàng.

Chia sẻ với Người Đưa Tin (NĐT) về câu chuyện chuyển đổi số tại OCB, ông Lù Duy Nguyên - Phó Giám đốc Khối bán lẻ phụ trách Ngân hàng số cho biết, thời gian qua, ngân hàng đã không ngừng mở rộng danh mục sản phẩm số, phục vụ cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. 

Ông Nguyên nhấn mạnh, chuyển đổi số luôn là một chiến lược trọng tâm của OCB và đang được thực hiện rất quyết liệt trên nhiều phân khúc và nền tảng.

Chuyển đổi số hướng tới mục tiêu ngân hàng xanh

NĐT: Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng không thể đảo ngược trong ngành tài chính, đặc biệt là ngân hàng. Các tổ chức tài chính đang đầu tư mạnh vào công nghệ để cải thiện trải nghiệm khách hàng, tối ưu hoá hoạt động và nâng cao khả năng cạnh tranh. Theo ông, công cuộc chuyển đổi số trong ngành ngân hàng hiện nay đang diễn ra như thế nào?

Ông Lù Duy Nguyên: Trong ngành ngân hàng, việc chuyển đổi số đang diễn ra rất sôi động và mạnh mẽ. Các ngân hàng đều chú trọng, đẩy mạnh công tác này, nhằm tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, cải tiến quy trình hoạt động và tăng năng lực cạnh tranh.

Với OCB đây luôn là một chiến lược trọng tâm và đang được thực hiện rất quyết liệt trên nhiều phân khúc và nền tảng. Không chỉ tập trung chuyển đổi số cho các kênh giao dịch của khách hàng, mang đến những trải nghiệm "thông minh và hiện đại" thông qua việc ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI, ML) để thấu hiểu khách hàng, mà các ngân hàng còn tập trung vào việc hiện đại hóa quy trình nội bộ nhằm tối ưu chi phí và thời gian.

"Mọi sáng kiến số cần lấy khách hàng làm trung tâm"- Ảnh 1.

Ông Lù Duy Nguyên - Phó Giám đốc Khối bán lẻ phụ trách Ngân hàng số OCB.

Ngoài ra, công tác chuyển đổi số cũng chính là một phần của chiến lược của chúng tôi, góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo vệ môi trường, đi đến mục tiêu ngân hàng xanh, ngân hàng bền vững.

NĐT: Được biết, OCB OMNI phiên bản 4.0 của ngân hàng đã chính thức ra mắt từ ngày 15/5/2024. Xin ông/bà cho biết, đâu là điểm khác biệt của OMNI 4.0 so với những phiên bản trước đó và các sản phẩm khác trên thị trường? Sau 4 tháng triển khai, sự đón nhận của khách hàng đối với phiên bản mới này thế nào?

Ông Lù Duy Nguyên: Ngân hàng số OCB OMNI 4 được phát triển trên nền tảng tiên tiến nhất của Backbase. Với việc ứng dụng nền tảng này, chúng tôi có thể triển khai nhanh các tính năng, tối ưu trải nghiệm của khách hàng qua việc cá nhân hóa trên từng sản phẩm dịch vụ, tăng độ mượt cho giao dịch, đảm bảo độ ổn định và bảo mật với công nghệ xác thực Fido hiện đại, cũng như đáp ứng các quy định mới từ Ngân hàng Nhà nước về xác thực sinh trắc học.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đưa ra những tính năng mới như Đặc quyền quán quen đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng cả phân khúc cá nhân lẫn merchant.

Sau 4 tháng triển khai, tỉ lệ giao dịch trên mỗi khách hàng của chúng tôi đã tăng hơn 20%, thu hút thêm hàng trăm ngàn khách hàng mới, và nhận được những đánh giá tích cực về độ mượt mà, giao diện đơn giản, dễ dùng cũng như những góp ý để tiếp tục cải tiến.

Open Banking là trọng tâm trong chuyển đổi số

NĐT: Ngành ngân hàng số đang không ngừng phát triển với nhiều xu hướng đổi mới trong tương lai. Các ngân hàng luôn cần thay đổi để duy trì tính cạnh tranh và cung cấp dịch vụ tối ưu cho ngân hàng. Ông dự đoán thế nào về sự phát triển của ngân hàng số trong thời gian tới? OCB có định hướng gì trong việc phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái số của mình?

Ông Lù Duy Nguyên: Các ngân hàng số với tốc độ tiến hóa nhanh, và môi trường số Việt Nam cũng đang rất phát triển qua các hệ thống từ những ngành nghề khác như ví điện tử, thương mại điện tử… và bản thân các ngân hàng cũng không ngừng tiến bộ để cạnh tranh lẫn nhau.

Một trong những xu hướng đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn là kết nối và phát triển các hệ sinh thái xung quanh để cộng hưởng sức mạnh, nhằm giảm thiểu chi phí tìm kiếm khách hàng mới, giữ chân khách hàng hiện hữu và tăng tỉ lệ sản phẩm, dịch vụ sử dụng trên mỗi khách hàng.

"Mọi sáng kiến số cần lấy khách hàng làm trung tâm"- Ảnh 2.

Open Banking là trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi số của OCB.

Với OCB, chúng tôi quan niệm, mọi sáng kiến số cần lấy khách hàng làm trung tâm. Chúng tôi tập trung vào việc cá nhân hóa dịch vụ, tạo ra trải nghiệm liền mạch trên mọi kênh, giúp khách hàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện nhất.

Bên cạnh đó, chúng tôi không ngừng mở rộng danh mục sản phẩm số, phục vụ cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Từ thanh toán VietQR, mở tài khoản trực tuyến với eKYC cho cá nhân, đến dịch vụ chi hộ, thu hộ và API tích hợp cho doanh nghiệp, chúng tôi hướng tới xây dựng một hệ sinh thái tài chính số toàn diện.

Mục tiêu của OCB là đáp ứng mọi nhu cầu tài chính trong kỷ nguyên số, bất kể quy mô hay loại hình khách hàng.

OCB đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng tài sảnNguồn lực hạn chế, doanh nghiệp vừa và nhỏ làm cách nào chuyển đổi số hiệu quả?

Ngoài ra, Open Banking là trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi số của OCB. Kể từ năm 2019, chúng tôi đã tiên phong triển khai Open API, kết nối với hàng trăm đối tác tin cậy và cung cấp hơn 150 API đa dạng.

Chúng tôi đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn như Thế Giới Di Động, Viettel… cung cấp các xử lý thanh toán với các hệ thống hỗ trợ merchant như SePay, Casso… tạo ra các giải pháp tài chính tích hợp, mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng và mở rộng phạm vi dịch vụ.

Trong quá trình phát triển, OCB luôn đặt vấn đề an ninh và quản lý rủi ro lên hàng đầu. Chúng tôi áp dụng các tiêu chuẩn bảo mật cao nhất, liên tục cập nhật theo chuẩn quốc tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách hàng.

Với OCB, ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ, mà còn cần hướng tới việc trở thành một người bạn đồng hành không thể thiếu trong cuộc sống số của mỗi khách hàng.

NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!