MXV-Index giảm nhẹ trong bối cảnh diễn biến thị trường trái chiều

Admin

(Chinhphu.vn) - Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trái chiều trong tuần cuối tháng 8 (26-1/9).

MXV-Index giảm nhẹ trong bối cảnh diễn biến thị trường trái chiều- Ảnh 1.

Trong khi giá của 6/7 mặt hàng nhóm nông sản đồng loạt tăng mạnh thì sắc đỏ bao phủ toàn bộ thị trường năng lượng. Đóng cửa, lực bán giành ưu thế kéo chỉ số MXV-Index giảm nhẹ 0,04% xuống còn 2.134 điểm.

Thị trường nông sản hồi phục, lực mua mạnh mẽ

Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua, thị trường nông sản hồi phục, giá hầu hết các mặt hàng (trừ gạo thô) tăng mạnh khoảng 2,5-6%. Đáng chú ý, sau khi giảm về mức thấp nhất trong vòng 4 năm vào đầu tuần, giá ngô gần như liên tục đi lên, kết phiên tuần tăng 1,97%, kết thúc chuỗi 4 tuần giảm liên tiếp trước. Kết quả xuất khẩu tích cực của Mỹ cho niên vụ mới là yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của giá. Bên cạnh đó, những lo ngại về tình hình mùa vụ tại Mỹ cũng là yếu tố hỗ trợ giá ngô trong tuần vừa rồi.

Cùng xu hướng với ngô, giá lúa mì cũng hồi phục mạnh trở lại sau khi giảm về mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020 vào hồi đầu tuần. Kết quả xuất khẩu khả quan của Mỹ cùng khả năng nguồn cung từ châu Âu bị thu hẹp lại là các yếu tố chính tác động lên giá.

MXV-Index giảm nhẹ trong bối cảnh diễn biến thị trường trái chiều- Ảnh 2.

Giá dầu suy yếu sau tín hiệu OPEC dỡ bỏ cắt giảm sản lượng

Theo MXV, kết thúc tuần giao dịch ngày 26-1/9, thị trường năng lượng "đỏ lửa" khi giá của 5/5 mặt hàng đánh mất 1-2%. Trong đó, giá dầu quay đầu suy yếu trở sau khi các nguồn tin cho biết OPEC có thể sẽ dỡ bỏ dần chính sách cắt giảm sản lượng kể từ tháng 10, bên cạnh kỳ vọng hoạt động sản xuất của Libya khôi phục.

Chốt tuần giá dầu WTI giảm 1,71% xuống mức 73,55 USD/thùng, dầu thô Brent giảm 1,56% về mức 76,93 USD/thùng.

Theo nguồn tin đáng tin cậy của Reuters, Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) có khả năng bắt đầu nới lỏng chính sách cắt giảm sản lượng vào tháng 10. Như vậy, nếu từ thời gian này OPEC+ tăng sản lượng, nguồn cung bổ sung có thể sẽ được bù đắp phần lớn tổn thất sản lượng dầu bị gián đoạn của thành viên nhóm, Libya trong thời gian vừa qua.

Thêm vào đó, các mỏ dầu Sarir, Messla và Nafoura của Libya trong cuối tuần trước cho biết đã nhận được chỉ thị khôi phục lại hoạt động sản xuất, sau bế tắc giữa các phe phái chính trị. Trước đó, Libya đã mất khoảng 700.000 thùng dầu mỗi ngày do hầu hết các mỏ dầu của nước này bị đóng cửa. Kỳ vọng nguồn cung dần được khôi phục khiến giá dầu chịu sức ép.

Nguồn cung xuất khẩu khôi phục từ Nga cũng gây áp lực lên thị trường trong tuần qua. Xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga đã tăng trở lại mức cao nhất trong gần hai tháng nhờ sự phục hồi các chuyến hàng từ dự án Sakhalin. 

Xuất khẩu dầu thô trung bình bốn tuần của nước này đã tăng lên 3,26 triệu thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 25/8, tăng 60.000 thùng/ngày so với giai đoạn trước. Tính theo tuần, xuất khẩu bằng đường biển của Nga đã tăng 390.000 thùng mỗi ngày đạt 3,35 triệu thùng và là mức cao nhất trong vòng ba tuần.

Áp lực tồn kho của Mỹ cũng góp phần vào đà giảm trên thị trường. Theo báo cáo đến từ Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại của nước này trong tuần kết thúc ngày 23/8 giảm 846.000 thùng, mức giảm thấp hơn so với kỳ vọng giảm 2,3 triệu thùng của thị trường.