Sinh thêm 15 con, liệu voọc Cát Bà có thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng?

Admin

Quần thể voọc Cát Bà ở VQG Cát Bà tăng lên khoảng hơn 90 cá thể nhờ sinh thêm 15 con từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, loài linh trưởng quý hiếm thứ 2 trên thế giới này vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Sáng 4/10, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà, thông tin, từ đầu năm đến nay, voọc Cát Bà sinh thêm 15 con để tăng số lượng đàn lên khoảng hơn 90 cá thể, cao nhất trong nhiều năm nay.

Voọc Cát Bà là loài linh trưởng đặc hữu của VQG Cát Bà, cùng với 2 loài khác là thạch sùng mí Cát Bà và thu hải đường Cát Bà.

Sinh thêm 15 con, liệu voọc Cát Bà có thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng?- Ảnh 1.

Voọc Cát Bà là loài đặc hữu chỉ có ở Vườn quốc gia Cát Bà (Ảnh: Huy Cầm).

Kết quả từ một cuộc nghiên cứu gien di truyền của loài voọc Cát Bà cho thấy, cách đây khoảng 100 năm, có không nhiều hơn khoảng 300 - 400 cá thể và vào giữa những năm 1960, có khả năng chỉ có khoảng 40 - 50 cá thể.

Dự án bảo tồn voọc Cát Bà do các tổ chức quốc tế tài trợ được thành lập năm 2000 nhằm hỗ trợ VQG Cát Bà trong nghiên cứu, bảo tồn voọc Cát Bà. Khi ấy, chỉ còn khoảng 40 cá thể voọc Cát Bà.

Ngoài ra, hơn 20 năm trước, nhiều thợ săn "rửa tay gác kiếm" tham gia 3 tổ bảo vệ voọc Cát Bà, mỗi tổ gồm 5 - 6 người ở 3 xã: Gia Luận, Việt Hải và Trân Châu, huyện Cát Hải, Tp.Hải Phòng.

Sinh thêm 15 con, liệu voọc Cát Bà có thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng?- Ảnh 2.

Khách du lịch quốc tế bất ngờ bắt gặp gia đình voọc Cát Bà (Ảnh: Huy Cầm).

Nhờ vậy, số lượng voọc Cát Bà không ngừng tăng với mức gia tăng trung bình khoảng 5%/năm. Trong đó, năm 2024 này, số lượng voọc non được sinh ra cao nhất từ năm 2000 đến nay.

Tìm "lời giải" cho voọc Cát Bà

Tuy nhiên, voọc Cát Bà chịu nhiều áp lực. Trong đó, hiện chỉ có khoảng 20% diện tích ở Quần đảo Cát Bà voọc có thể sinh sống tốt. Tuy nhiên, diện tích này lại bị áp lực của sự phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, hiện chỉ có 2 tiểu quần thể voọc Cát Bà tại khu vực Cửa Đông và khu vực Giỏ Cùng có khả năng sinh sản. Trong khi, 2 khu vực này cách xa nhau nên khó có sự giao lưu làm đa dạng quần thể. Đây là những khó khăn ảnh hướng đến nỗ lực bảo tồn, phát triển quần thể voọc Cát Bà.