Tác động của việc tăng lương cơ sở lên BHYT, BHXH tự nguyện

Admin

Từ tháng 1-7-2024, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Cùng với sự điều chỉnh này, mức đóng BHYT hộ gia đình cũng có sự thay đổi.

Theo đó, mức đóng của người thứ nhất trong gia đình tham gia BHYT là 1.263.600 đồng/năm (tăng 291.600 đồng so với trước); người thứ 2 là 884.520 đồng/năm (tăng 204.100 đồng); người thứ 3 là 758.160 đồng/ năm (tăng 174.900 đồng); người thứ 4 là 631.800 đồng (tăng 145.800 đồng). Từ người thứ 5 trở đi đóng 505.440 đồng/năm (tăng 116.640 đồng).

Cha mẹ làm nông ở quê, đều đã lớn tuổi, không có thu nhập ổn định nên để đề phòng khi ốm đau, bệnh tật, nhiều năm qua, chị Trương Thị Mỹ Linh, công nhân một công ty huyện Hóc Môn, TP HCM tự bỏ chi phí mua BHYT hộ gia đình cho cha mẹ mình và cha mẹ chồng. Trước đây, tổng chi phí mua BHYT cho 4 người là 3.304.800 đồng/năm, nhưng nay chị Linh phải bù thêm 991.400 đồng mới đủ.

Tác động của việc tăng lương cơ sở lên BHYT, BHXH tự nguyện- Ảnh 1.

Người dân tại quận Tân Bình, TP HCM tìm hiểu thủ tục tham gia BHXH tự nguyện

Hiện nay, nếu không tăng ca thu nhập của chị Linh chỉ đạt hơn 6 triệu đồng/tháng. Cả hai vợ chồng đều là công nhân, ở trọ, nuôi 2 con nhỏ, phải tằn tiện mới đủ chi tiêu, nhưng nay phát sinh thêm khoản BHYT tăng, chị lại thêm gánh nặng.

Hồi tháng 7, chị Linh được công ty tăng lương tối thiểu vùng 300.000 đồng/tháng, còn chồng chị được tăng 280.000 đồng. Tổng khoản tăng lương của 2 vợ chồng không đủ khoản bù thêm để mua BHYT cho cha mẹ.

"Cha mẹ tôi không phải là đối tượng được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới nhưng lại bị ảnh hưởng bởi chính sách này khi tham gia BHYT, điều này liệu có hợp lý không?" - chị Linh băn khoăn.

Liên quan vấn đề trên, vừa qua cử tri tỉnh Đồng Tháp cũng đã gửi kiến nghị đến Bộ Lao động - Thương binh và Cã hội (LĐ-TB-XH) yêu cầu đánh giá tác động của tăng lương cơ sở đối với các đối tượng tham gia bảo BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đồng thời, xem xét nâng mức hỗ trợ đối với các đối tượng này vì hiện nay đời sống người dân rất khó khăn.

Giải đáp kiến nghị cử tri, Bộ LĐ-TB-XH cho biết khi xem xét phương án thực hiện chính sách tiền lương mới, Bộ LĐ-TB-XH đã chủ động nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động của chính sách tiền lương đối với việc thực hiện chính sách BHXH gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền khi xem xét phương án thực hiện chính sách tiền lương mới.

Tác động của việc tăng lương cơ sở lên BHYT, BHXH tự nguyện- Ảnh 2.

Người dân khám bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam

Từ ngày 1-1-2018 chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện đã bắt đầu được thực hiện. Các mức hỗ trợ thực hiện hiện nay được quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ. Bên cạnh đó, nhà nước cũng khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Ngày 23-5-2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, trong đó có nêu về sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH để mở rộng diện bao phủ BHXH.

Do vậy, chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện sẽ tiếp tục được trao đổi, thảo luận trong quá trình nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Về đánh giá tác động của việc tăng mức lương cơ sở đối với người tham gia BHYT hộ gia đình, Bộ LĐ-TB-XH cho biết Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng BHYT dựa trên phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân.

Theo quy định của Luật BHYT, mức đóng BHYT hằng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở. Trên sở quy định của Luật BHYT, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định mức đóng BHYT là 4,5%.

Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia BHYT, tại Luật BHYT, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Đối với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, mức đóng hiện tại của người thứ nhất là bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Ngoài ra, căn cứ vào khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương trình HĐND tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ thêm, mức hỗ trợ đóng cho các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT và không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT.

Mức đóng BHXH tự nguyện năm 2024:

Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn để tính mức đóng BHXH tự nguyện. Trong đó, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng. Cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở là 46,8 triệu đồng/tháng.

Mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian tối đa 10 năm. Cụ thể:

- Hộ nghèo (30%): 1.500.000 x 22% x 30% = 99.000 đồng/tháng.

- Hộ cận nghèo (25%): 1.500.000 x 22% x 25% = 82.500 đồng/tháng.

- Người tham gia khác (10%): 1.500.000 x 22% x 10% = 33.000 đồng/tháng.