Thị phần môi giới liên tục giảm điểm, mảng nào đem lại lợi nhuận chính cho VPS?

Admin

Trong quý III/2024, thị phần môi giới của CTCP Chứng khoán VPS trên sàn HoSE, HNX ghi nhận sụt giảm quý thứ hai liên sau khi thiết lập đỉnh vào đầu năm.

Cụ thể, trên HoSE, thị phần môi giới của VPS ở mức 17,63 %, thu hẹp so với thị phần 18,16% của quý II và 20,29% của quý I. Tại HNX, thị phần của VPS giảm từ 24,2% ở quý II về 21,18%. Duy nhất thị phần trên sàn UPCoM tăng 2,61% lên 30,77%.

VPS nổi tiếng trên thị trường với việc hy sinh lợi nhuận để đổi lấy thị phần. Chính sách về môi giới của VPS cũng "béo bở" hơn so với các công ty chứng khoán khác khi mức chia hoa hồng khá cao.

VPS: Từ công ty con của VPBank đến ngôi vương thị phần chứng khoán

Tuy nhiên trước việc thị phần sụt giảm, thì mảng môi giới đã không còn đem lại lợi nhuận chính cho VPS nhưng vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong doanh thu.

Theo báo cáo tài chính quý III/2024 vừa công bố, mảng môi giới của VPS giảm 25% so với cùng kỳ xuống mức 713,7 tỷ đồng. Song chi phí môi giới của công ty cũng giảm 19% xuống 604,8 tỷ đồng. Như vậy, mảng này đem về 108,9 tỷ đồng cho VPS, thấp hơn gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị phần môi giới liên tục giảm điểm, mảng nào đem lại lợi nhuận chính cho VPS?- Ảnh 1.

Trong quý III/2024, VPS lãi sau thuế 656 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) cũng giảm 26% so với cùng kỳ xuống còn 308,3 tỷ đồng, chủ yếu do cổ tức, tiền lãi phát sinh và lãi bán các tài sản tài chính giảm.

Điểm sáng là khoản lỗ từ tài sản FVTPL lại giảm 96% so với cùng kỳ, từ 482,3 tỷ đồng xuống còn 19,2 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc VPS lãi 289,1 tỷ đồng ở mảng này, trong khi cùng kỳ lỗ 64,4 tỷ đồng.

Hoạt động cho vay của VPS khởi sắc khi lãi từ cho vay và phải thu đạt 453,5 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Tại ngày 30/9/2024, dư nợ cho vay của VPS ghi nhận hơn 12.145 tỷ đồng, tăng 519 tỷ so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là dư nợ cho vay ký quỹ (margin) với 11.625 tỷ đồng.

Tính chung trong quý III/2024, doanh thu hoạt động của Chứng khoán VPS đạt 1.644,3 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà môi giới chứng khoán này ghi nhận lãi sau thuế 656 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu hoạt động của VPS tăng 3% lên 4.784,6 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng gấp 3,6 lần lên 2.194,5 tỷ đồng. So với kế hoạch lãi trước thuế kỷ lục 1.500 tỷ đồng, Chứng khoán VPS đã vượt 46% chỉ tiêu lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm.

Tại thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của công ty ở mức 28.890,5 tỷ đồng, tăng 23% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) tăng gấp 4 lần từ 1.671 tỷ đồng đầu năm lên 6.775 tỷ đồng cuối quý III/2024, toàn bộ là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng.

Danh mục FVTPL của VPS có giá trị 5.856 tỷ đồng, tăng 266,6 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, phần lớn là công cụ thị trường tiền tệ với 4.799,7 tỷ đồng, trái phiếu niêm yết 894 tỷ đồng và cổ phiếu niêm yết 14,7 tỷ đồng, cổ phiếu chưa niêm yết 15,4 tỷ đồng.

Nợ phải trả của VPS tăng 4.893 so với đầu năm, chủ yếu là vay ngắn hạn tăng 28% lần lên 17.383 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty không thuyết minh chi tiết các khoản vay.