Thiệt hại do xâm nhập mặn lên tới hơn 70.000 tỷ, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm 2 hồ chứa nước ngọt dung tích 2,5 tỷ m3?

Admin

Các nhà khoa học đề xuất xây hai hồ chứa nước ngọt dung tích 1,5 tỷ và 1 tỷ m3 nước tại Đồng Tháp và Hậu Giang, cung cấp nước ngọt cho các tỉnh Tây Nam Bộ với tổng mức đầu tư 130 nghìn tỷ đồng.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM và Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề “Nước ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long” vào sáng ngày 30/6, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực. 

Cụ thể, vị trí xây hồ chứa tại Đồng Tháp đặt gần vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, diện tích xây dựng khoảng 27.000ha, dung tích 1,5 tỷ m3.

Với phương án này, chi phí cho hồ chứa này khoảng 67.000 tỷ đồng, bao gồm xây dựng và giải phóng mặt bằng. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng gần 8.000 với gần 32.000 nhân khẩu.

Hồ chứa thứ hai nằm gần khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang) trên địa phận ba xã Phương Bình, Phương Phú, Tân Phước huyện Phụng Hiệp. Theo đó, hồ chứa có dung tích 1 tỷ m3

Tổng diện tích xây dựng hồ dự kiến hơn 17.000 ha. Mức đầu tư cho công trình khoảng 68.000 tỷ đồng. Số hộ dân dự kiến di dời khoảng 11.700 với gần 47.000 nhân khẩu. 

Theo nhóm nghiên cứu, việc xây dựng hồ chứa sẽ giúp điều tiết nước cho các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần Kiên Giang, Cần Thơ thông qua hệ thống kênh rạch có sẵn. 

photo-1719916074404

Từ nay đến 2030 ngành nông nghiệp đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng cho các giải pháp nước ngọt khu vực Tây Nam Bộ

Theo PGS.TS Tô Văn Thanh - Viện phó Viện khoa học thủy lợi Miền Nam đánh giá tại hội thảo, đây là công trình tâm huyết của nhà khoa học, tuy nhiên, thực tế xây dựng hồ chứa nước ở đồng bằng như Tây Nam Bộ có tính chất phức tạp hơn so với xây công trình tương tự ở vùng núi. Cụ thể, đó là kỹ thuật xây hồ trên nền đất yếu, phương thức phân phối nước, vấn đề bảo vệ môi trường...

Ông cho rằng, việc chuyển nước phục vụ cho sản xuất tại các hồ quy mô lớn cần có hệ thống trạm bơm công suất cao, làm các hệ thống cống bắc qua kênh... Khi xây dựng các công trình này ảnh hưởng đến giao thông, phát triển kinh tế, môi trường tại khu vực. Lãnh đạo viện Khoa học Thuỷ lợi Miền Nam cho rằng với diện tích xây dựng lớn tại vùng đồng bằng ảnh hưởng giải phóng mặt bằng, sinh kế của người dân nên cần xem xét kỹ. 

PGS Thanh cho biết, từ nay đến 2030 ngành nông nghiệp đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng cho các giải pháp nước ngọt khu vực Tây Nam Bộ. 

Theo dự báo, nhu cầu nước ngọt cho khu vực này khoảng 18- 22 tỷ m3, có thể tăng lên 25 tỷ m3 mỗi năm trong khi nguồn nước sông MeKong khoảng 475 tỷ m3, về cơ bản là không thiếu nước. Tuy nhiên cần đảm bảo các giải pháp quản lý, khai thác, phân bố nguồn nước từ nơi này sang nơi khác một cách hợp lý.

Hạn hán, hạn mặn ngày càng khốc liệt

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích khoảng 3,9 triệu ha. Đây được coi là vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là chìa khóa trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia. 

Đồng bằng sông Cửu Long luôn đóng góp khoảng 53% tổng sản lượng lương thực, 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và 70% trái cây của cả nước hàng năm. Tuy nhiên, vấn đề thiếu nước ngọt lại nảy sinh trong những năm gần đây có thể gây ảnh hưởng đến hàng triệu người dân trong toàn vùng. 

Tại Hội thảo, kết quả nghiên cứu của nhiều nhóm chuyên gia, nhà khoa học về vấn đề nước ngọt tại ĐBSCL đã đưa ra nhiều con số "biết nói" đáng báo động về tình trạng thiếu nước ngọt, dẫn đến hạn hán, hạn mặn cho toàn vùng. 

Cụ thể, tác động từ thủy điện là tiềm tàng nguy cơ khi chỉ ở thượng nguồn sông Mekong dự kiến có 467 đập thủy điện, trong đó có khoảng 1/4 đang trong quá trình xây dựng hoặc dự kiến xây dựng, gia tăng nguy cơ thiếu nước, hạn hán, hạn mặn, sạt lở và xói mòn ở hạ lưu. Kết quả nghiên cứu về tình hình hạn mặn ở ĐBSCL cũng ghi nhận khu vực sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây đang có phạm vi xâm nhập mặn trong phạm vi 80-90km. 

Kế đến, khu vực sông Cửa Tiểu, cửa Đại có phạm vi xâm nhập mặn từ 60-70km; sông Hàm Luông có mức độ xâm nhập mặn từ 57-65km; sông Cổ Chiên bị xâm nhập mặn trên khu vực 50-60km; sông Hậu có tình trạng xâm nhập mặn trong phạm vi 55-60km... 

Mới đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học tài nguyên nước tiến hành nghiên cứu, lập bản đồ thiệt hại do xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang vào khoảng 70.168 tỷ đồng. Đây là mức thiệt hại gây ra đối với hoạt động sản xuất, bao gồm cây ăn trái, hoa màu, lúa và thủy sản. 

Vườn quốc gia Tràm Chim nằm trong vùng trũng Đồng Tháp Mười, từng được biết đến như "túi nước" lớn của Đồng bằng sông Cửu Long. Việc xây dựng hồ chứa nước ngọt tại đây sẽ hỗ trợ việc điều tiết dòng chảy mùa khô và cung cấp nước cho các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre thông qua hệ thống kênh liên tỉnh kết nối với các kênh Hồng Ngự - Long An, An Hòa, Đồng Tiến, Phú Hiệp. 

Đồng thời, việc mở rộng diện tích trong khu vực 5 xã vùng đệm cũng được thực hiện thuận lợi do mật độ dân số thấp (281 người/km2) và chi phí đền bù giải tỏa, tái định cư không quá cao.

Tương tự, việc xây dựng hồ chứa nước vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, nằm trên khu vực của 3 xã Phương Bình - Phương Phú - Tân Phước (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), cũng mang lại nhiều lợi ích cho việc chứa nước và điều tiết nước đối với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần của tỉnh Kiên Giang và Thành phố Cần Thơ thông qua hệ thống kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, Lái Hiếu, sông Cái Lớn và nhiều kênh rạch khác.

Ngoài ra, việc xây dựng hồ chứa nước tại Lung Ngọc Hoàng cũng đóng góp vào việc bảo vệ khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên tại đây, một vùng đất quan trọng với vai trò lớn trong sinh sản và dự trữ thủy sản cho Đồng bằng sông Cửu Long.