TPHCM: Khuyến mãi 'sập sàn', sức mua vẫn yếu

Admin

TP - Nhiều mặt hàng từ thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu, đồ dùng gia dụng… tại các cửa hàng, siêu thị ở TPHCM đều có chương trình khuyến mãi, giảm giá "sập sàn". Tuy nhiên, sức mua rất thấp do người dân thắt chặt chi tiêu.

Ngập khuyến mãi

Trưa 12/7, tại siêu thị MM Mega Market An Phú (thành phố Thủ Đức, TPHCM), các quầy hàng thực phẩm tươi sống từ thịt cá, rau củ, trái cây đến hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình… đều ngập tràn khuyến mãi. Trong đó nhiều nhất là các mặt hàng giảm giá từ 40 - 50%; mua sản phẩm thứ hai chỉ còn 8.000 đồng; mua sản phẩm càng to càng lợi về giá… Bà Trần Kim Nga - Giám đốc đối ngoại Cty MM Mega Market chia sẻ, lương cơ bản đã chính thức tăng từ 1/7 nhưng MM vẫn luôn giữ cam kết bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, nhằm đem đến sự lựa chọn tốt nhất cho người tiêu dùng.

TPHCM: Khuyến mãi 'sập sàn', sức mua vẫn yếu ảnh 1

Siêu thị ngập khuyến mãi phục vụ người tiêu dùng. Ảnh: U.P

Trong khi đó, 800 điểm bán hàng thuộc Saigon Co.op tung những mặt hàng nhãn riêng của siêu thị này với giá giảm đến 50%; hơn 100 sản phẩm rau xanh, trái cây, thủy hải sản… được bán đồng giá từ 10.900 đồng trở lên theo khung giờ quy định trong ngày. Đặc biệt, hệ thống này vừa triển khai dịch vụ Co.op Party (tổ chức tiệc theo yêu cầu) từ cơm văn phòng đến tiệc nhẹ gia đình, giá chỉ từ 40.000 đồng/món.

Khảo sát mới đây của Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) cho thấy, có tới 64% DN gặp khó khăn do nhu cầu tiêu dùng suy giảm; 50% DN gặp khó khăn do thiếu các đơn hàng mới; 29% DN gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng; 16% DN gặp khó khăn do thiếu vốn kinh doanh. Do đó, DN phải tính toán lại các chi phí, bao gồm cả lương cho người lao động. Thu nhập của người tiêu dùng giảm khiến họ chi tiêu dè sẻn hơn và chỉ ưu tiên chọn mua những mặt hàng thực sự cần.

Ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX cây ăn trái Tân Mỹ (Bình Dương) nói rằng, trung bình mỗi tháng HTX bán khoảng 10 tấn bưởi tại hệ thống siêu thị. “Chúng tôi đang thực hiện giảm giá trực tiếp ngay tại siêu thị nhưng sức mua vẫn không tăng” - ông Sang nói.

Loạt siêu thị khác như Go! BigC, Satra, Aeon, Lotte… cũng giăng băng-rôn, treo biển giảm giá đỏ rực ở đa số các ngành hàng. Tuy nhiên, theo quan sát của PV Tiền Phong, dù nhiều khuyến mãi nhưng không phải quầy hàng nào cũng hút khách.

Chọn mua chiếc áo sơ-mi mới khi sản phẩm này giảm giá còn phân nửa, chị Thanh Nga (ngụ quận Tân Phú) bộc bạch, do cần dự cưới của người bạn thân nên chị mới sắm đồ mới, chứ đi siêu thị chủ yếu săn khuyến mãi thực phẩm là chính. “Tôi thường đến siêu thị vào gần cuối ngày, khi đó nhiều món chế biến sẵn như cơm gà, bún chả giò, bánh ướt nem chả… đều giảm giá tới 50%, chỉ còn 15.000 - 20.000 đồng. Mua về cất tủ lạnh hôm sau ăn sáng trước khi đi làm. Lúc này tiết kiệm đồng nào đỡ đồng nấy” - chị Nga nói.

Gồng mình giữ giá

Ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Cty CP Kỹ nghệ súc sản Vissan cho biết, hiện giá heo hơi tăng rất cao trong vòng 2 năm qua tới gần 70.000 đồng/kg. Thế nhưng DN vẫn đang cố gắng cầm cự và chưa điều chỉnh giá. Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu Vissan đạt 1.600 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ, và chỉ mới đạt 45% so với kế hoạch đề ra trong năm 2024. “Chúng tôi đang cố gắng “gồng” giữ giá nhưng sức mua rất thấp. Để thu hút người tiêu dùng, Vissan đẩy mạnh khuyến mãi lên tới 30 - 40%, tặng thêm sản phẩm cho khách hàng. Có thể DN sẽ tiếp tục duy trì chương trình này đến hết quý 3/2024 để kích cầu thị trường, hoàn thành kế hoạch của 6 tháng cuối năm” - ông Dũng chia sẻ.

Bà Lê Thị Tuyết Mai - Giám đốc truyền thông Cty P&G Việt Nam chuyên về hàng tiêu dùng thiết yếu cho biết, trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí sản xuất tăng góp phần đẩy giá thành sản phẩm, P&G đã gặp rất nhiều thách thức khi thực hiện bình ổn giá. “Chúng tôi đưa ra rất nhiều giải pháp, liên kết chặt chẽ với các đơn vị phân phối nhằm giữ giá sản phẩm, đưa hàng hóa có giá bình ổn đến tay người tiêu dùng” - bà Mai nói.

Cũng theo bà Mai, nếu chỉ giảm giá hàng hóa ở siêu thị, cửa hàng thì vẫn chưa phải là cách để tiếp cận người tiêu dùng nhiều nhất. Vì vậy, P&G sẽ tham gia chương trình bán hàng lưu động của TPHCM ở các khu công nghiệp, nhà trọ có đông công nhân. Số tiền bán hàng sẽ được trích thành những phần quà tặng 2.000 gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.

Chuyên sản xuất các loại nước trái cây, nước giải khát, ông Đặng Xuân Vinh (ngụ thành phố Thủ Đức) chia sẻ, các loại hương liệu trái cây đều tăng từ 1,8 - 2% từ đầu năm 2024 đến nay; giá nhôm nhập khẩu làm vỏ chai, giấy bao bì cũng đã tăng giá; chưa kể cơ sở này phải tăng lương cho lao động theo quy định từ đầu tháng 7/2024. Tất cả những chi phí này sẽ đều cấu thành vào giá sản phẩm và người chịu thiệt vẫn là khách hàng. “Chúng tôi đang nỗ lực cắt giảm các chi phí sản xuất, hao hụt trong sử dụng nguyên, vật liệu, tối ưu hoá máy móc, thiết bị, sao cho thời gian máy nghỉ là ít nhất, để tăng hiệu suất làm việc. Từ đó không tăng giá bán sản phẩm ra thị trường” - ông Vinh nói.