Vì sao Mỹ đột ngột "quay xe", không còn kêu gọi ngừng bắn ở Lebanon?

Admin

Mỹ đã đưa ra một cách tiếp cận hoàn toàn khác sau nhiều tuần ngoại giao tích cực nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah.

Cách đây 2 tuần, Mỹ và Pháp yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức trong 21 ngày để ngăn Israel tấn công vào Lebanon. Tuy nhiên, nỗ lực đó đã bị phá hỏng bởi vụ Israel hạ sát thủ lĩnh Hezbollah Syed Hassan Nasrallah và phát động chiến dịch trên bộ ở miền Nam Lebanon. 

Hiện tại, các quan chức Washington đã từ bỏ lời kêu gọi ngừng bắn với lý do "hoàn cảnh thay đổi".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller phát biểu trong một cuộc họp báo hồi đầu tuần này: "Chúng tôi ủng hộ hành động của Israel nhằm làm suy yếu cơ sở hạ tầng của Hezbollah, để cuối cùng chúng tôi có thể đạt được một giải pháp ngoại giao".

Vì sao Mỹ đột ngột "quay xe", không còn kêu gọi ngừng bắn ở Lebanon?- Ảnh 1.

Thủ đô Beirut - Lebanon hứng một cuộc tấn công hôm 10-10. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, cách tiếp cận mới của Mỹ vừa thực tế vừa mạo hiểm. Mỹ và Israel sẽ được hưởng lợi từ việc đánh bại Hezbollah, lực lượng thường xuyên đe dọa biên giới phía Bắc của Israel. Nhưng việc Washington khuyến khích chiến dịch quân sự mở rộng của Tel Aviv có nguy cơ dẫn đến xung đột mất kiểm soát.

Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Jon Alterman cho biết Mỹ muốn thấy Hezbollah suy yếu nhưng phải cân nhắc điều đó với rủi ro "tạo ra khoảng trống ở Lebanon hoặc gây ra xung đột toàn khu vực".

Ông Alterman nói rằng cách tiếp cận của Washington là "nếu không thể thay đổi cách tiếp cận của Israel thì cố gắng định hướng nó theo cách xây dựng". 

Cựu nhà đàm phán Trung Đông của Mỹ Aaron David Miller bình luận: "Mỹ không có nhiều hy vọng kiềm chế Israel và thấy được những lợi ích tiềm tàng trong chiến dịch này. Các quan chức Mỹ cũng có khả năng dành đòn bẩy để hạn chế hành động trả đũa của Israel đối với Iran". 

Reuters dẫn một số nguồn tin châu Âu tiết lộ hiện không có cuộc đàm phán ngừng bắn thực chất nào đang diễn ra và Israel sẽ tiếp tục chiến dịch của họ ở Lebanon trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.

Đối với Mỹ, chiến dịch của Israel có thể mang lại ít nhất 2 lợi ích. 

Thứ nhất, việc làm suy yếu Hezbollah sẽ hạn chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực và làm giảm mối đe dọa đối với Israel và lực lượng Mỹ. 

Thứ hai, Washington tin rằng áp lực quân sự có thể buộc Hezbollah phải hạ vũ khí và mở đường cho cuộc bầu cử một chính phủ mới ở Lebanon, qua đó lật đổ phong trào này - vốn đã là một nhân tố quan trọng ở Lebanon trong nhiều thập kỷ.

Các quan chức Washington cho biết trong tuần này, mục tiêu cuối cùng là thực thi nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết yêu cầu một phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc - được gọi là UNIFIL - giúp quân đội Lebanon đảm bảo không có sự tích trữ vũ khí hoặc lực lượng vũ trang nào tại khu vực biên giới phía Nam Lebanon với Israel ngoài những người của nhà nước Lebanon.