'Vụ việc Vạn Thịnh Phát có lẽ đã không xảy ra nếu hiểu biết về tài chính cá nhân của người dân được nâng cao'

Admin

Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn thường niên Hoạch định tài chính cá nhân 2024 tổ chức sáng nay (22/6).

Chia sẻ tại Diễn đàn thường niên Hoạch định tài chính cá nhân 2024 được tổ chức tại Học viện Ngân hàng vào sáng nay (22/6), PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, cho rằng vấn đề tài chính cá nhân hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Theo ông Phúc, nền kinh tế Việt Nam sau 40 năm đổi mới đã phát triển rất mạnh, dẫn tới tầng lớp trung lưu đã tăng rất nhanh. Chính vì vậy, nguồn lực tài chính của các hộ gia đình và cá nhân ngày càng lớn. Tuy nhiên, nhiều người có tiền trong kho nhưng băn khoăn không biết đầu tư vào đâu và đôi khi đầu tư theo đám đông như tình trạng xếp hàng mua vàng hay vụ việc trái phiếu của Vạn Thịnh Phát.

Không chỉ những người có tiền, vụ việc trái phiếu Vạn Thịnh Phát cũng cho thấy nhiều người ít tiền cũng tham gia. Cụ thể, rất nhiều người về hưu, mang lương hưu ra SCB gửi tiết kiệm nhưng các nhân viên tư vấn của ngân hàng này đã 'lái' họ mua trái phiếu 'dởm' của Vạn Thịnh Phát.

"Với quy mô hàng chục nghìn tỷ và lượng lớn người tham gia, những vụ việc này nếu không được giải quyết triệt để thì sẽ không chỉ dừng ở vấn đề tài chính còn dẫn tới vấn đề xã hội", ông Phúc cho hay.

"Giá như các hiệp hội, cơ quan chức năng làm tốt hơn việc tư vấn tài chính cá nhân thì có lẽ những vụ việc như thế này đã không xảy ra", Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhận định.

'Vụ việc Vạn Thịnh Phát có lẽ đã không xảy ra nếu hiểu biết về tài chính cá nhân của người dân được nâng cao'- Ảnh 1.

Các chuyên gia tham dự Diễn đàn thường niên Hoạch định tài chính cá nhân 2024

Chia sẻ tại diễn đàn, TS Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến những rung lắc trên thị trường tài chính vừa qua, nhưng trong đó có hai nguyên nhân rất quan trọng nhìn từ góc độ dân trí tài chính và hoạch định tài chính cá nhân.

Thứ nhất, các chủ thể cá nhân tham gia thị trường với tư cách người bán và người mua đang thiếu hụt kiến thức nền về tài chính và hoạch định tài chính cá nhân.

Thứ hai là, các chủ thể tham gia thị trường với tư cách là nhà tư vấn tài chính, nhưng chất lượng chuyên môn, kỹ năng và động cơ tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu chuẩn mực hoạch định tài chính cá nhân.

"Đã đến lúc thị trường tài chính phải có những nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp để tư vấn cho khách hàng lựa chọn giải pháp, sản phẩm phù hợp nhất với bức tranh tài chính toàn diện của khách hàng, để tránh cho họ những cú sốc về tài chính", TS Lê Minh Nghĩa nhấn mạnh.

Để những người hoạch định tài chính cá nhân phát triển đúng với tiềm năng và góp phần vào sự ổn định của thị trường chung, bà Nguyễn Thùy Linh, Trưởng ban NCKH, Viện Khoa học tài chính và Quản lý, VFCA, cho rằng: "Tài chính cá nhân không phải là ảnh hưởng đến một cá nhân hay một gia đình mà còn ảnh hưởng đến sự lành mạnh tài chính của đất nước".

Theo bà Linh, giải pháp quan trọng là phải đổi mới tư duy nhận thức về nâng cao dân trí, quản lý và hoạch định tài chính cá nhân. Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạch định tài chính cá nhân. Các cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong quản lý hành nghề tư vấn tài chính tại Việt Nam.

Ngoài ra, các tổ chức đào tạo về giáo dục tài chính, đào tạo chính quy và đào tạo hành nghề nghề tư vấn tài chính cũng là nhân tố then chốt để đưa nghề hoạch định tài chính cá nhân phát triển. Nhờ đó, chương trình đào tạo về hoạch định tài chính cá nhân sẽ được xây dựng và phát triển một cách bài bản và hoàn thiện hơn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hans Nguyễn, Cố vấn trưởng Dragon Capital Việt Nam nhận định, việc phát triển nghề tư vấn tài chính cá nhân đang rất cấp bách. 

"Những nhà hoạch định tài chính cá nhân giống như các bác sĩ tài chính. Tầm quan trọng của họ không hề kém cạnh các bác sĩ về sức khỏe thể chất. Những con người rất chuẩn mực, có khả năng và đáng tin cậy này sẽ giúp chúng ta khỏi tình huống "đột quỵ về tài chính", ông Hans Nguyễn cho hay.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, Việt Nam chưa có đủ "bác sĩ tài chính", và nếu có thì các "bác sĩ" này cũng chưa đạt chuẩn, chưa có nhiều kinh nghiệm. Chúng ta mới chỉ đang ở giai đoạn sơ khai trong việc đào tạo ra những vị "bác sĩ" đó.

Chia sẻ thêm về nhận định này, ông Hans Nguyễn cho biết, tư vấn tài chính ở Việt Nam hiện mới chỉ dừng lại ở những dịch vụ rất đơn giản.

"Nhiều đơn vị tài chính rất lớn, đầu ngành thị trường vẫn chưa làm tốt việc tư vấn tài chính. Tôi từng làm việc với một ngân hàng có tới 500 nhân viên chăm sóc khách hàng nhưng chỉ có không tới 10% trong số họ làm tốt nhiệm vụ, 90% còn lại chỉ đơn giản là bán hàng và chỉ quan tâm đến KPI", ông Hans nói.

Với vai trò là đơn vị đào tạo, ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT đánh giá: "Quy chuẩn hành nghề tư vấn tài chính cần được ban hành, trong đó nêu bật về vấn đề đạo đức. Đây là yếu tố xuyên suốt, đóng vai trò là nền tảng giúp nghề tư vấn tài chính có thể phát triển bền vững".