Bình Định tăng tốc thu hút đầu tư, mở hướng đi mới từ tín chỉ carbon

Admin

Bình Định thu hút được 27 dự án với tổng vốn đăng ký gần 3.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Việc thu hút đầu tư ở cấp cơ sở bắt đầu có những chuyển biến tích cực.

Đột phá tuyến huyện

Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm nay, huyện Tây Sơn nổi lên như một “địa chỉ đầu tư” được các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm. Đáng kể, nhiều dự án triển khai, hứa hẹn khởi sắc bức tranh đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Kinh tế vĩ mô - Bình Định tăng tốc thu hút đầu tư, mở hướng đi mới từ tín chỉ carbon

Một cụm công nghiệp của huyện Tây Sơn được đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút nhiều doanh nghiệp tới hoạt động. Ảnh: Dũng Nhân

Nổi bật là dự án chế biến nông sản tập trung chuyên sâu của Công ty  CP Vinanutrifood Bình Định (xã Bình Nghi) và dự án trang trại chăn nuôi gà trứng-hậu bị của Công ty TNHH Hà My BĐ (xã Tây Thuận); dự án Nhà máy chế biến gỗ và sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu của Công ty TNHH sản xuất Thương mại VinaForest (cụm công nghiệp Bình Nghi)...

Thống kê UBND huyện Tây Sơn, 6 tháng qua, Tây Sơn 6 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký khoảng 744 tỷ đồng, trở thành địa phương dẫn đầu toàn tỉnh.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, đánh giá, Tây Sơn có lợi thế lớn trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, với việc gia tăng diện tích rừng gỗ lớn, địa phương sớm quy hoạch để xây dựng lộ trình phát triển bán tín chỉ carbon rừng FSC. Trong trồng trọt, chăn nuôi với sự xuất hiện của nhà đầu tư lớn lĩnh vực chế biển nông sản chuyên sâu, huyện sẽ quy hoạch được vùng nguyên liệu tập trung đủ chuẩn để cung ứng cho doanh nghiệp.

Kinh tế vĩ mô - Bình Định tăng tốc thu hút đầu tư, mở hướng đi mới từ tín chỉ carbon (Hình 2).
Kinh tế vĩ mô - Bình Định tăng tốc thu hút đầu tư, mở hướng đi mới từ tín chỉ carbon (Hình 3).

Phát triển diện tích rừng gỗ lớn là một trong những định hướng phát triển của ngành lâm nghiệp Bình Định trong việc gia nhập vào thị trường bán tín chỉ carbon. Ảnh: Nguyên Thu

Thế mạnh của huyện Tây Sơn đó là vùng nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động lĩnh vực chế biến nông sản và lâm sản. Hiện nay, Tây Sơn là địa phương có diện tích trồng rừng gỗ lớn, rừng nguyên liệu thuộc nhóm lớn nhất tỉnh Bình Định. Với khoảng 1.500 ha rừng trồng đạt tiêu chuẩn FSC, đây là nguồn nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, đồng thời cũng là bước khởi đầu của việc gia nhập vào thị trường bán tín chỉ carbon trong tương lai gần.

Việc đưa Tây Sơn từng bước gia nhập vào thị trường bán tín chỉ carbon là định hướng mà UBND tỉnh Bình Định thực hiện từ gợi mở của TS Trần Du Lịch tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tháng 3/2024. Tại hội nghị này, TS Trần Du Lịch, trao đổi, Bình Định có lợi thế lớn, có thể đi tắt đón đầu để phát triển. Đặc biệt là phát triển và cung cấp tín chỉ carbon cho doanh nghiệp, đối tác.

Cùng với tiềm năng, lợi thế có sẵn, chính quyền các cấp huyện tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp; cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vào hoạt động.

Chia sẻ về điều này, ông Dương Trọng Thọ, Giám đốc Dự án Nhà máy sản xuất gạch ốp lát granite Công ty CP Kamado, cho hay, việc chọn cụm công nghiệp Bình Nghi để đầu tư nhà máy sản xuất gạch hơn 1.000 tỷ đồng là xuất phát từ nhiều sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Đặc biệt cụm công nghiệp Bình Nghi có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp; một điểm cộng khác là hệ thống giao thông kết nối khá đồng bộ…

Thống kê từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định), Tây Sơn là địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư với 6 dự án (chiếm tỷ lệ 60%), thị xã Hoài Nhơn 4 dự án, huyện Tuy Phước và thị xã An Nhơn mỗi địa phương thu hút được 1 dự án.

Kỳ vọng đón nhiều nhà đầu tư lớn

Dù ghi nhận điểm sáng từ cơ sở, tuy nhiên trong thu hút đầu tư tính trên chỉ tiêu chung, Bình Định mới chỉ thu hút 27/100 dự án đầu tư (tỷ lệ 27%) so với kế hoạch đề ra. Thông tin này được đưa ra tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Bình Định 6 tháng đầu năm 2024 vào ngày 7/6 vừa qua.

Theo đánh giá lãnh đạo tỉnh Bình Định, dù các chỉ số về phát triển kinh tế cao hơn so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2023, song ở những lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng thì Bình Định làm chưa tốt.

Kinh tế vĩ mô - Bình Định tăng tốc thu hút đầu tư, mở hướng đi mới từ tín chỉ carbon (Hình 4).

Phát triển diện tích rừng gỗ lớn là một trong những định hướng phát triển của ngành lâm nghiệp Bình Định trong việc gia nhập vào thị trường bán tín chỉ carbon. Ảnh: Nguyên Thu

Trao đổi với Người Đưa Tin về điều này, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, phân tích: Trong thu hút đầu tư, 6 tháng đầu năm chỉ thu hút 27/100 dự án theo chỉ tiêu đề ra, tổng vốn đăng ký gần 3.000 tỷ đồng. Trong đó có 5/11 địa phương thu hút được các dự án, còn lại 6 địa phương tới nay chưa thu hút được dự án nào.

Tương tự, ở các khu công nghiệp lớn của tỉnh, việc thu hút đầu tư khá khiêm tốn. Từ đầu năm đến nay mới có 8 dự án đăng ký hoạt động ở các khu công nghiệp do Ban quản lý khu kinh tế tỉnh quản lý, tổng vốn 454 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, nguyên nhân dẫn tới tình trạng thu hút đầu tư chậm phần lớn do sự thiếu quyết liệt của các địa phương, các đơn vị liên quan. Nhiều nơi chưa quản lý được giá thuê đất nên vẫn còn nhiều dự án hoạt động ngoài khu, cụm công nghiệp (trong khi tỉnh Bình Định tập trung lấp đầy các khu, cụm công nghiệp); nhiều địa phương vẫn còn thụ động trong thu hút đầu tư, không chịu tìm tòi, gõ cửa mời gọi nhà đầu tư tới…

Dù đối mặt với một số khó khăn trong thu hút đầu tư, song tỉnh vẫn chọn lọc nhà đầu tư phù hợp. Ưu tiên các nhà đầu tư có tiềm lực, phát triển công nghệ cao, bền vững, thân thiện với môi trường…

Cùng với, người đứng chính quyền tỉnh Bình Định nhấn mạnh các sở, ngành, địa phương thực sự hành động, quyết tâm cao, phải chủ động để mời gọi nhà đầu tư tìm về.

“Trong cách thức xử lý công việc, không đùn đẩy trách nhiệm, tập trung gỡ việc cho người dân và doanh nghiệp. Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, nhấn mạnh.

Thu Dịu

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn tới Bình Định tìm cơ hội đầu tư

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở KH&ĐT tỉnh Bình Định), từ sau hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định cuối tháng 3/2024, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tìm tới Bình Định tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đây là tín hiệu tích cực trong việc đón“sến đầu đàn” tạo động lực cho Bình Định trong phát triển. Mới đây nhất, vào ngày 14/6, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tiếp đón lãnh đạo Tập đoàn Food Empire Holdings (Singapore) tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan xuất khẩu, tổng vốn 80 triệu USD. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bình Định giới thiệu về tiềm năng của khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định - đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà đầu tư. Ông Amrish Rungta, Phó Chủ tịch Tập đoàn Food Empire Holdings đánh giá cao tiềm năng, lợi thế cũng như cam kết của đồng hành của tỉnh. Đây là điểm cộng để tập đoàn nghiên cứu sớm triển khai dự án tại Bình Định.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh Bình Định tiếp tục có nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, hội nghị gặp gỡ, từ đó gia tăng cơ hội thu hút đầu tư vào địa phương. Ngày 25/6/2024, Bình Định tổ chức hội nghị thúc đẩy đầu tư, phát triển thương mại, du lịch với đối tác Ấn Độ. Đây là cơ hội để địa phương tiếp tục quảng bá thế mạnh, tiềm năng của Bình Định.