Người lao động không được hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp nào?

Admin

Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ 1-7-2025) quy định cụ thể bốn trường hợp người lao động tham gia BHXH không được nhận chế độ ốm đau

Theo số liệu thống kế, trong năm 2023, đã có hơn 8,8 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Trong 7 tháng đầu năm 2024, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết hồ sơ của 560.840 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Qua đó cho thấy, chế độ ốm đau đã góp phần chia sẻ gánh nặng với người lao động tham gia BHXH bắt buộc khi gặp phải những rủi ro về sức khỏe phải nghỉ việc hoặc có con nhỏ ốm đau cần chăm sóc.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người lao động sẽ không được hưởng chế độ ốm đau.

Người lao động không được hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp nào?- Ảnh 1.

Cán bộ BHXH quận 7, TP HCM tuyên truyền Luật BHXH cho người lao động

Cụ thể, Điều 42 Luật BHXH (sửa đổi) năm 2024 quy định người lao động không được hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp sau đây:

- Tự gây thương tích hoặc tự gây tổn hại cho sức khỏe của mình

- Sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định, trừ trường hợp sử dụng thuốc tiền chất hoặc thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Trong thời gian lần đầu phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Trong thời gian nghỉ việc trùng với thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật về lao động hoặc đang nghỉ việc hưởng nguyên lương hoặc đang nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định của pháp luật về BHXH.