Trùm buôn Mercedes - Benz Haxaco "tăng ga" vượt khó

Admin

Năm 2011-2012, Haxaco chịu cảnh làm ăn thua lỗ. Sau khi có sự hiện diện của ông Đỗ Tiến Dũng, doanh nghiệp này báo lãi trở lại và kết quả kinh doanh không ngừng khởi sắc.

Vực dậy Haxaco

CTCP Ô tô Hàng Xanh (Haxaco - HoSE: HAX) tiền thân là cửa hàng trưng bày và Xưởng sửa chữa xe ô tô với tên gọi là SAMCO3, trực thuộc Công ty Cơ khí Ô tô Sài Gòn được thành lập theo quyết định số 155 ngày 3/12/1992 của UBND tp.HCM, nay là Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO).

Ngày 15/10/1999, SAMCO 3 được cổ phần hóa và chuyển thành Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (viết tắt là HAXACO) theo quyết định 6148/QĐ-UB-KT của UBND Tp.Hồ Chí Minh với ngành nghề kinh doanh Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành các loại xe ô tô; Đại lý mua bán ô tô và phụ tùng các loại.

Ngày 01/06/2000 HAXACO chính thức đi vào hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần. Cũng trong thời điểm tháng 6, Haxaco trở thành Đại lý của Công ty liên doanh Mercedes-Benz Việt Nam và Xí nghiệp liên doanh sản xuất ô tô Hoà Bình. Năm 2004, công ty chính thức trở thành nhà phân phối đầu tiên của Mercedes-Benz Việt Nam.

Trùm buôn Mercedes - Benz Haxaco "tăng ga" vượt khó- Ảnh 1.

Danh sách cổ đông sáng lập Haxaco.

Thời điểm thành lập, 2 đại diện vốn Nhà nước tại Haxaco là ông Nguyễn Tiến Dũng và ông Trần Hữu Thạnh nắm 30% vốn tại công ty. Các cổ đông khác là Phạm Tuấn Mai, Hoàng Thị Nhị Hà, Hồ Huy và Trần Thị Hồng Hạnh lần lượt nắm 10% vốn tại Haxaco. Ông Nguyễn Tiến Dũng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT tại công ty.

Tuy nhiên, thời điểm đó, Haxaco hoạt động kém hiệu quả với mức lợi nhuận sau thuế quanh quẩn ở mức dưới 15 tỷ đồng. Thậm chí, năm 2011-2012, doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế 13 tỷ đồng và 24 tỷ đồng.

Đến năm 2013, một nhân tố mới là ông Đỗ Tiến Dũng chính thức đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Haxaco. Từ đây, cục diện tại công ty dần thay đổi và khởi sắc.

Trùm buôn Mercedes - Benz Haxaco "tăng ga" vượt khó- Ảnh 2.

Chủ tịch Haxaco Đỗ Tiến Dũng.

Haxaco báo lãi trở lại và kể từ đó, lợi nhuận doanh nghiệp không ngừng tăng lên. Năm 2014, Haxaco báo lãi gấp 16 lần năm trước và đến năm 2017, lợi nhuận doanh nghiệp chính thức vượt mốc 100 tỷ đồng. Chỉ sau 4 năm, lợi nhuận của công ty đã tăng gấp 100 lần từ mức lãi 1 tỷ đồng năm 2013.

Năm 2016, ông Dũng ngồi vào ghế nóng Chủ tịch HĐQT Haxaco và gắn liền với chức vụ này từ đó đến nay. Không chỉ tăng trưởng kết quả kinh doanh, lãnh thổ kinh doanh ô tô của Haxaco cũng không ngừng bành trướng, nhiều đại lý, chi nhánh được thành lập.

Trùm buôn Mercedes - Benz Haxaco "tăng ga" vượt khó- Ảnh 3.

Danh sách các công ty con của Haxaco.

Kết thúc năm 2023, công ty có 5 đại lý phân phối Mercedes-Benz đặt tại Tp.HCM, Hà Nội và Cần Thơ. Đồng thời có 6 đại lý phân phối mảng xe MG. Ngoài ra, Haxaco còn sở hữu 4 công ty con, gồm 3 công ty con cấp 1 với tỉ lệ góp vốn từ 60% trở lên.

Trong cơ cổ đông của Haxaco hiện tại, ông Dũng đang sở hữu gần 18,8 triệu cổ phiếu HAX, tương đương 17,47% vốn. Bà Vũ Thị Hạnh - vợ ông Dũng, thành viên HĐQT Haxaco cũng đang sở hữu 17,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 16,61% vốn tại doanh nghiệp.

Ông Đỗ Tiến Dũng sinh năm 1972, quê quán tại Hà Nội, trình độ chuyên môn Cử nhân Tài chính kế toán, cử nhân Luật Kinh tế. Trước khi trở thành lãnh đạo Haxaco, ông từng là là nhân viên kinh doanh tại công ty Liên doanh sản xuất Ô tô Hòa Bình VMC. Từ 1997 - 2005, ông Dũng đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng kinh doanh tại Công ty Toyota Hoàn Kiếm và Liên doanh Toyota Giải Phóng.

Tham vọng bán xe bình dân của trùm xe sang

Năm 2023, nhà phân phối Mercedes-Benz bỗng có cú hụt hơi khi báo lãi sau thuế 37 tỷ đồng, giảm mạnh 84,6% so với năm 2022.

Các quý trong năm, doanh nghiệp này cũng liên tục báo lợi nhuận giảm do nhu cầu tiêu dùng xe sang chưa được cải thiện đáng kể, người tiêu dùng có xu hướng chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn của nền kinh tế.

Đứng trước tình trạng trên, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024,lãnh đạo Haxaco cho biết, ngoài việc tiếp tục duy trì và phát triển thị phần xe Mercedes-Benz tại thị trường Việt Nam, công ty sẽ phát triển kinh doanh xe Morris Garages (MG) để hỗ trợ tốt cho hệ sinh thái kinh doanh xe ô tô của công ty.

Xe MG là một thương hiệu có nguồn gốc từ Vương quốc Anh năm 1924. Tuy nhiên, hiện nay thương hiệu này thuộc sở hữu của một công ty ô tô tại Trung Quốc là SAIC.

Từ sau khi mở rộng kinh doanh sang MG, Haxaco đã liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc.Trong quý I/2024, công ty báo lãi sau thuế gần 31,8 tỷ đồng, gấp 9 lần so với cùng kỳ năm trước.

6 tháng đầu năm 2024, Haxaco ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 21% lên 2.160 tỷ đồng. Công ty báo lãi ròng trước thuế 69 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt gần 54 tỷ đồng, gấp 9 lần cùng kỳ.

Một quỹ ngoại trở thành cổ đông lớn của Haxaco"Trùm" buôn Mercedes-Benz Haxaco kinh doanh khởi sắc nhờ bán xe MG

Giải thích về kết quả kinh doanh, Haxaco cho biết ngành ô tô, đặc biệt là phân khúc xe hạng sang, đang trong quá trình phục hồi, chưa thực sự ổn định.

Các hãng xe đang cạnh tranh gay gắt thông qua các chính sách giảm giá sâu và ưu đãi lớn để kích cầu tiêu dùng nên kết quả kinh doanh tại báo cáo tài chính riêng sụt giảm.

Hồi tháng 6 vừa qua, tại lễ khai trương MG Láng Hạ, ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Haxaco cho biết, phân phối ô tô MG đang đem lại động lực tăng trưởng, ước tính trong quý II/2024 lợi nhuận từ mảng phân phối MG đóng góp 90% lợi nhuận cho công ty.