Họp bàn về lĩnh vực 1.000 tỷ USD, quan chức một nước ASEAN khẳng định "Việt Nam là đối thủ của chúng ta"

Admin

Các đại biểu liên tục nêu tên Việt Nam sẽ cùng cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Họp bàn về lĩnh vực 1.000 tỷ USD, quan chức một nước ASEAN khẳng định "Việt Nam là đối thủ của chúng ta"- Ảnh 1.

Sáng 16/10, tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur (Malaysia), phiên thảo luận về công nghiệp bán dẫn đã diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh và Kinh tế số 2024.

Trong bài phát biểu chào mừng, ông Yong Kai Ping - Giám đốc điều hành Hội nghị - đã nêu rõ mục tiêu chiến lược của Malaysia là vào nhóm nước phát triển công nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới. Danh sách này có Việt Nam.

“Việt Nam là đối thủ của chúng ta”, ông Yong Kai Ping nói.

Lãnh đạo của Hội nghị cũng cho biết Malaysia đang đầu tư rất lớn cho xây mới - mở rộng các công viên chip, đào tạo nhân sự và không loại trừ mong muốn thu hút thêm nhiều nhân tài từ nước ngoài bởi “Malaysia đang thiếu nhân sự ngành này”, ông Yong Kai Ping nói thêm.

Và cho biết “nhân sự đến từ các ngành khoa học máy tính hoặc có liên quan đều được chào đón”.

Họp bàn về lĩnh vực 1.000 tỷ USD, quan chức một nước ASEAN khẳng định "Việt Nam là đối thủ của chúng ta"- Ảnh 2.

Ông Yong Kai Ping - Giám đốc điều hành Hội nghị Thành phố thông minh và Kinh tế số 2024 - nhấn mạnh mục tiêu của Malaysia trên thị trường bán dẫn. Ảnh: Dy Khoa.

Vị này tin tưởng vào sự tăng trưởng của Malaysia và dòng vốn nước ngoài đổ vào nước này sẽ là động lực cho khả năng mở rộng, khẳng định vị thế trên thị trường bán dẫn của quốc gia liên bang này.

Hiện Malaysia có chiến lược quốc gia cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Kế hoạch này gồm 3 giai đoạn toàn diện được hỗ trợ 5,3 tỷ USD (25 tỷ RM).

Các hoạt động bao gồm hỗ trợ tài chính và các ưu đãi có mục tiêu, được thiết kế để biến đất nước này thành một cường quốc toàn cầu trong ngành công nghiệp bán dẫn trong thập kỷ tới.

Malaysia đang là nước xuất khẩu chất bán dẫn đứng thứ 6 thế giới,  và đứng thứ 10 về các sản phẩm điện - điện tử.

Cũng trong khuôn khổ phiên hội nghị, ông Salleh Ahmad, Giám đốc Công nghệ của Weeroc, cho rằng Malaysia có lợi thế lớn về nhân lực có thể sử dụng tiếng Anh tốt. Việc này giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng làm việc với lao động địa phương.

Tuy nhiên, ông cũng mong muốn chính phủ Malaysia chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành hơn. Đặc biệt là cần phải duy trì nền chính trị ổn định.

Họp bàn về lĩnh vực 1.000 tỷ USD, quan chức một nước ASEAN khẳng định "Việt Nam là đối thủ của chúng ta"- Ảnh 3.

Các đại biểu trong phiên thảo luận sáng 16/10. Ảnh: Dy Khoa.

Còn ông Chang Qing Xu, Giám đốc điều hành Chipsbank, đánh giá cao Việt Nam khi là điểm đến của các công ty sản xuất lớn như Samsung. Còn Malaysia có thể mạnh khác về vị trí khi gần Singapore, đất nước hút đầu tư mạnh về công nghệ, cũng như là điểm đến đầu tư mới của nhiều nhà đầu tư toàn cầu.

Theo Statista, doanh thu trên thị trường chất bán dẫn dự kiến sẽ đạt 607,4 tỷ USD vào năm 2024. Mạch tích hợp thống trị thị trường với khối lượng thị trường dự kiến là 515 tỷ USD vào năm 2024.

Doanh thu dự kiến sẽ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2024-2029) là 10,06%, tạo ra khối lượng thị trường là 980,8 tỷ USD vào năm 2029.

Việt Nam đã có chiến lược quốc gia cho phát triển bán dẫn

Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được ban hành hồi giữa tháng 9 năm nay.

Theo đó, Việt Nam định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2050 theo lộ trình 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024 - 2030), tận dụng lợi thế địa chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn.

Họp bàn về lĩnh vực 1.000 tỷ USD, quan chức một nước ASEAN khẳng định "Việt Nam là đối thủ của chúng ta"- Ảnh 4.

Việt Nam đặt mục tiêu vào nhóm các quốc gia hàng đầu thế giới về bán dẫn.

Giai đoạn 2 (2030 - 2040), trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu; phát triển công nghiệp bán dẫn, điện tử kết hợp giữa tự cường và FDI. Giai đoạn 3 (2040 - 2050), trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử. Đến 2040, nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân.

Cũng theo chiến lược, giai đoạn 1 (2024 - 2030), Việt Nam thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%...

Giai đoạn 2 (2030 - 2040), phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 2 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 - 20%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 485 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 - 20%. Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Giai đoạn 3 (2040 - 2050), Việt Nam hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%.