Livestream bán hàng trăm tỷ đồng: Cần giải pháp chống thất thu thuế

Admin

Thời gian gần đây, trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn, như TikTok, Shopee... nở rộ livestream bán hàng với doanh số hàng "khủng".

Dư luận đang rất quan tâm tới việc thời gian gần đây, xuất hiện những phiên livestream bán hàng có doanh số thu về hàng chục đến cả trăm tỷ đồng chỉ, tương đương doanh thu của một công ty trong 1 năm. Nhiều mặt hàng bán trong phiên livestream có giá thấp hơn nhiều so với giá bán tại đại lý, cửa hàng nên đã thu hút lượng khách hàng lớn trên một số nền tảng mua sắm trực tuyến lớn như TikTok, Shopee...

Đơn cử sau khi đạt doanh thu "chấn động" lên tới 100 tỷ đồng, một tài khoản TikTok nổi tiếng đặt mục tiêu doanh số trong phiên livestream TikTok ngày 5/6 lên đến 150 tỷ đồng và hứa hẹn tặng quà khủng như ô tô, 100 máy tính bảng cho khách hàng đăng ký sự kiện và tham gia phiên bán hàng.

Livestream bán hàng trăm tỷ đồng: Cần giải pháp chống thất thu thuế- Ảnh 1.

Livestream bán hàng sẽ bị rà soát kiểm tra kê khai, nộp thuế

Những vấn đề đặt ra liên quan đến nghĩa vụ thuế trong thời gian qua là livestream bán hàng và tiếp thị liên kết. Trong đó, các chuyên gia TMĐT khẳng định rằng, livestream bán hàng về cơ bản chính là tiếp thị liên kết, khi người bán không trực tiếp bỏ vốn ra mua sản phẩm, cũng như không cung ứng sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Nếu như người bán chưa đăng ký kinh doanh sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Tại công điện số 01, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ... Đây là hình thức bán hàng bằng cách phát video trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch TMĐT, website TMĐT, kênh truyền hình.

Hình thức bán hàng này khá phổ biến được các DN, cá nhân kinh doanh sử dụng để xúc tiến cho hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của mình. Trong các phiên bán hàng trực tuyến thường có sự tham gia của các cá nhân bán hàng cho chính họ hoặc các cá nhân khác, như blogger, tiktoker, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội... được trả hoa hồng từ livestream bán hàng.

Ông Nguyễn Quý Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa và Hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng Cục Thuế cho biết, cá nhân có thu nhập từ hoa hồng do thực hiện livetream bán hàng, sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc.

“Trong trường hợp hoa hồng từ hoạt động tiếp thị liên kết trên các sàn TMĐT được trả cho đối tượng cá nhân, khoản hoa hồng này được tính vào thu nhập từ tiền lương, tiền công. Hết năm, cá nhân được hưởng khoản hoa hồng này sẽ phải thực hiện tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân, theo biểu lũy tiến từng phần với 7 bậc từ 5% - 35%”, ông Trung cho biết.

Tiền nộp thuế của những cá nhân livestream bán hàng không phải toàn bộ doanh số của phiên bán hàng, chỉ tính trên cơ sở phần thu nhập được nền tảng TMĐT chi trả. Ông Nguyễn Bình Minh, đại diện Hiệp hội TMĐT cho rằng, mức thu nhập dựa trên số tỷ lệ phần trăm trên tổng doanh số được hưởng, hoặc bằng số lượng tiền công cho một phiên livestream cứng. Có nghĩa là không cần biết số lượng sản phẩm bán được bao nhiêu, người livestream họ vẫn được hưởng một mức thu nhập.

Bà Nguyễn Huệ Chi, Học viện Doanh nhân (CEO) livestream TopOne nêu quan điểm, hoa hồng bao nhiêu là do người bán thương lượng với nhãn hàng, chẳng hạn như chiết khấu cho các tiếp thị liên kết khoảng 15%, nhưng muốn bán được nhiều hàng hơn chỉ chấp nhận từ 7-8% để giảm giá bán.

Như vậy, khoản thuế mà các cá nhân thực hiện livestream hay tiếp thị liên kết phải đóng là căn cứ trên số tiền thực nhận từ nền tảng. Bài toán đặt ra là làm sao để khoản thu nhập này được kê khai đúng, đủ và hợp lý để tranh thất thu cho ngân sách cũng như đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của những người tham gia. Theo các chuyên gia, với các hoạt động hợp tác trực tiếp với sàn TMĐT, về cơ bản đều có phương pháp tính thu nhập của từng người bán.

Theo bà Đỗ Kim Dung, Đồng sáng lập ECOMOBI, cần có biện pháp giám sát và quản lý thuế các hình thức TMĐT mới. “Người bán có thể hoàn toàn đọc điều khoản của các sàn, họ viết và phân biệt rất rõ người bán là cá nhân hay hộ kinh doanh, từ đó hướng dẫn phải mức thuế tương ứng cho từng loại.

Bộ Tài Chính đang làm đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu các sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn, trong đó có cả livestream. Theo đó, sẽ chỉ cần một đầu mối khai và nộp thuế thay vì hàng chục nghìn cá nhân. Trước vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện Tiktok Việt Nam cho biết, các nền tảng kinh doanh trực tuyến có đầy đủ công cụ và giải pháp để thực hiện.

“Tiktok Việt Nam làm việc rất chặt chẽ với ngành thuế để bảo đảm không có câu chuyện lách thuế trốn thuế. TMĐT trên nền tảng chính thức có quản lý, việc thu thuế của nhà nước sẽ đảm bảo hơn rất nhiều”, theo ông Thanh.

Theo số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần đây, tổng số các trường hợp đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm là 22.159 cơ sở kinh doanh với số thuế tăng thêm là 2,9 nghìn tỷ đồng. Để tăng thu ngân sách từ lĩnh vực TMĐT, cơ quan thuế có nhiều sáng kiến mới và thay đổi cách thức quản lý khác biệt, không giống với cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh truyền thống. Nổi bật là quản lý thuế qua bản đồ số hộ kinh doanh thay vì quản lý các hộ kinh doanh dọc các tuyến phố như trước đây.

Theo đó, đối với hoạt động TMĐT nói chung hay hoạt động livestream bán hàng trên mạng đang được quản lý và giám sát theo 2 sắc thuế. Nếu là cá nhân thực hiện có phát sinh doanh thu và phát sinh thu nhập sẽ phải chịu thuế đối với thu nhập cá nhân sẽ được điều chỉnh bởi Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Theo quy định của pháp luật thuế hiện hành, cá nhân có thu nhập từ tiền hoa hồng môi giới; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác... được xác định là thu nhập từ tiền lương, tiền công. Với mức thuế suất tăng dần này, người có phần thu nhập tính thuế ở mức nào sẽ nộp thuế tương ứng với thuế suất ở mức đó. Thuế suất cao nhất 35% áp dụng cho cá nhân có thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng.

Đối với trường hợp các hộ kinh doanh gia đình, thực hiện các hoạt động bán hàng và có phát sinh doanh thu khai nộp thuế theo mức thuế 7%, gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.